Phiền não là gì? Học cách buông bỏ phiền não theo đạo Phật

Phàm đã là người trong cõi nhân sinh, ai không có phiền não. Phiền não là lẽ thường tình, cũng là nguyên do khiến chúng ta bị trói buộc mãi trong vòng luân hồi sanh tử. Vậy, phiền não từ đâu mà có, đoạn trừ bằng cách nào để có thể sống hạnh phúc, an lạc hơn.

XIN THƯỜNG NIỆM "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT"

1. Phiền não là gì?

Phiền não (klésa trong tiếng Phạn, Tiếng Pali là kilesa và Kiết-lệ-xá trong từ điển Hán Việt) là cụm từ dùng để chỉ trạng thái tâm lý của con người, mô phỏng, thể hiện sự bực dọc, khó chịu, buồn chán, đau khổ khi gặp những việc không như ý muốn của bản thân trong công việc, học tập hay tình cảm.

phiền não

Phiền não - Trạng thái tâm lý thể hiện sự ngộ độc của tâm trí với Tam Độc, ngũ dục, thất tình

Dưới góc nhìn của đạo Phật, phiền não là trạng thái của Tâm, thể hiện sự ngộ độc của tâm trí đối với các sự vật, sự việc ở xung quanh mình. Phiền não sẽ khiến con người không thể đạt cảnh giới “giải thoát”, thoát khổ, thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi.

Vậy phiền não do đâu mà có? Theo quan niệm của nhà Phật, vô minhái dục chính là nguồn gốc sinh ra phiền não. Vô minh có nghĩa là thiếu hiểu biết, trí tuệ không thông suốt, nhìn nhận và đánh giá mọi vật, mọi việc xung quanh bị sai lệch. Ái dục là sự yêu, thích và những mong muốn vượt qua những điều mà mình có thể đạt được.

Còn ái dục, vô minh là còn phiền não, bởi nó mà sự trói buộc trong khổ đau, bệnh tật, sanh tử luân hồi mãi không chấm dứt, không thể giải thoát.

2. Phật học luận bàn về các loại phiền não

Như trên đã nói, phiền não là khởi nguồn của mọi sự khổ đau, bệnh tật, là đầu mối dẫn tới các trạng thái tâm lý tiêu cực, thất tình lục dục. Trong Thanh Tịnh Đạo của ngài Buddhaghosa (Phật Âm), phiền não thường được chia thành 10 loại, được gọi tên và miêu tả cụ thể như sau:

2.1 Tham - Tam độc khó tránh

Tham ở đây có nghĩa là tham lam, sự ham muốn về ngũ dục bao gồm vật chất (tiền tài, của cải); sắc đẹp, vẻ bề ngoài; danh tiếng và địa vị; ham muốn lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng dễ nghe của người khác; mùi hương; sự đụng chạm thể xác; Ăn uống, ngủ nghỉ, hưởng thụ.

Khi ham muốn thái quá những điều đó mà không thể đạt được, có được tất sẽ sinh ra phiền não. Nhưng lòng tham là thứ đâu dễ kiểm soát cũng khó đo lường giới hạn, vậy nên mới có câu “lòng tham vô đáy”.

2.2 Sân

Sân ở đây có nghĩa là sân hận, sự nóng giận, giận hờn một cách thái quá, là hình thái tâm lý tiêu cực khi không có được điều mình mong muốn, yêu thích. Sân hận khiến ta phiền não mãi không thôi vì cái Tôi, cái Ta không được thỏa mãn.

2.3 Si - Phiền não từ sự si mê

Tham - Sân - Si là Tam độc khó tránh của con người ở trần cảnh. Khi khởi phát lòng tham không có được ắt sinh nóng giận, thù ghét rồi dẫn tới si mê, vô minh, thiếu đi sự sáng suốt, nhận thức mọi sự tiêu cực. 

2.4 Mạn (Ngã mạn)

Mạn là những suy nghĩ, nhận thức về cái tôi (Ngã là bản ngã, chính mình). Mạn có 2 loại, một là tự cao, tự đại, kiêu căng ngạo mạn gây ra phiền não. Hai là tự nhận định bản thân mình thấp kém dẫn tới buồn tủi, bi quan, tự ti cũng là nguồn gốc của tâm phiền não. 

2.5 Nghi (Hoài nghi)

Phiền não do luôn nghi ngờ, không có lòng tin với bản thân, mọi người và thế giới xung quanh.

2.6 Thân kiến

Chấp thân ngũ uẩn là mình từ đó sinh tâm tham ái lại từ tham ái sinh ra phiền não, sân hận.

buông bỏ phiền não

Phiền não do luôn hoài nghi về mọi vật, mọi việc và con người xung quanh ta

2.7 Biên kiến là một loại phiền não 

Biên kiến có nghĩa là chỉ thấy được một bên, thấy biết những khiếm khuyết, nhìn nhận và đánh giá không đầy đủ, toàn diện dẫn tới nhận thức lệch lạc, sai lệch.

2.8 Kiến thủ

Bảo thủ với ý kiến, nhận thức và sự hiểu biết của mình, luôn cho rằng bản thân mình mới là đúng, không chịu thay đổi cách nhìn nhận, cách nghĩ một cách cố chấp do thiếu hiểu biết hoặc do lòng tự ái. 

2.9 Giới cấm thủ

Phiền não sinh ra do cố chấp, bảo thủ những quy củ hay các điều lệ, nguyên tắc hoặc thói quen ở tâm thế cực đoan. Cũng có người cố chấp giữ những giới cấm lập dị hay chấp giới sai lầm, lệch lạc do thiếu hiểu biết đúng đắn về giới pháp. 

2.10 Phiền não do tà kiến

Tà kiến là những nhận thức, đánh giá, nhìn nhận sai lầm của một người về sự vật, sự việc, thế giới xung quanh. Đây cũng chính là một loại của phiền não.

Với 10 loại phiền não trên không chỉ khiến con người bất an, mắc các bệnh do tâm (tâm phiền não) mà còn dẫn dắt con người tạo tác ra điều bất thiện, dẫn tới nghiệp sinh tử luân hồi cứ lặp đi lặp lại, từ đời này sang đời khác, mãi không giác ngộ và giải thoát. 

3. Các pháp buông bỏ phiền não

Đức Phật đã dạy, phiền não như một loại bệnh, các pháp trị giống như thuốc chữa bệnh, tùy vào từng loại chúng ta sẽ có phương pháp rèn luyện, thực tập để đoạn trừ, diệt phiền não khác nhau. 

 3.1 Dùng tri kiến để diệt trừ phiền não 

Bởi vô minh và ái dục sinh ra phiền não nên việc chúng ta cần làm chính là tri kiến. Tri kiến có nghĩa là là sự thấy biết, sự nhìn rõ, hiểu đúng và hiểu đủ. Khi ta nhìn thấy, biết thấy phiền não từ đâu mà khởi phát mới có thể hóa giải được. 

Ví dụ như khi ta mất tiền, mất của cải, hiển nhiên ta sẽ tiếc nuối dẫn tới phiền não. Nếu ta hiểu rằng, của cải là vật ngoài thân, con người có vay có trả, mất tiền của ta có thể làm ra, phiền não chỉ khiến ta thêm mệt mỏi thì sự phiền não không có cơ hội phát sinh, việc mất mát đó cũng trôi qua nhẹ nhàng hơn. 

phiền não buông bỏ

Hiểu biết, hiểu rõ về mọi vật, mọi việc để buông bỏ phiền não

3.2 Cách hóa giải phiền não do phòng hộ

Phòng hộ có nghĩa là giữ gìn, bảo vệ một điều gì đó, một vật, một việc nào đó ngay từ khi nó chưa xảy ra, hiểu đơn giản hơn là chúng ta ngăn ngừa để nó không xảy ra. Ví dụ, để ngăn lũ về vỡ đê chúng ta cần có phương án phòng hộ cụ thể gồm gia cố đê điều, sơ tán nhân dân khỏi vùng ngập lụt; để ngăn vịt gà không phá vườn rau chúng ta phải làm hàng rào, lưới quây phòng hộ…

Sâu xa hơn, để ngăn ái dục phát sinh dẫn tới phiền não chúng ta cần thực hành phòng hộ 6 căn (6 pháp) khiến ta nhiễu tâm, loạn ý: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

3.3 Đoạn trừ phiền não do thọ dụng 

Thọ dụng và buông bỏ là 2 khái niệm thường gặp trong giáo lý nhà Phật, càng buông bỏ càng ít phiền não, thọ dụng càng nhiều phiền não càng nhiều. Thế nhưng, trong nhiều hoàn cảnh và trường hợp cụ thể, thọ dụng cũng chính là cách để hóa giải. Những ví dụ sau đây sẽ giúp quý vị hiểu rõ hơn về pháp đoạn trừ phiền não này. 

Ví dụ khi chúng ta đói, đói mà không được ăn dẫn đến bực dọc, khó chịu, mệt mỏi ấy chính là phiền não. Lúc này để hóa giải chúng ta cần thọ dụng đó chính là ăn uống.

Tương tự như vậy, mùa hè thời tiết nóng nực ta cần thọ dụng (sử dụng điều hòa, quạt hơi nước) để giảm bớt sự nóng nực, khó chịu. Mùa đông lạnh ta cần đèn sưởi, chăn ấm để thấy ấm áp hơn.

3.4 Kham nhẫn - Cách hóa giải phiền não

Kham nhẫn có nghĩa là chịu đựng. Chúng ta cần thực hành, rèn luyện để tăng khả năng chịu đựng, như vậy khi đối diện với thất bại, khổ đau, các sự không như ý chúng ta mới có thể giảm bớt sự phiền não. 

Kham nhẫn trước hoàn cảnh, khó khăn, kham nhẫn trước những ham muốn của bản thân mới có thể từng bước tiến độ, từng bước giảm trừ và diệt phiền não, thoát khỏi khổ đau.

buông xả phiền não

Rèn luyện để tăng khả năng chịu đựng, đoạn trừ phiền não

3.5 Đoạn trừ phiền não do tránh né

Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu “sẵn sàng đối mặt, đương đầu mới là quân tử”, điều này rất đúng nhưng chưa đủ. Đôi khi, chúng ta cần biết tránh né để chặn đứt sự khởi phát của phiền não. Tránh né có nghĩa là không đối diện, tránh tiếp xúc hoặc gần gũi với ai đó, sự vật sự việc nào đó xung quanh mình. 

Cách hóa giải phiền não này rất đơn giản. Ví như khi đi qua các quán nhậu, quán tẩm quất massage chúng ta nên tránh né thay vì vào trong đó, khi thấy bài bạc nên tránh né… Khi thấy người hung hăng, xấu tính, hay nói mỉa, nói khích, hay gây sự đánh nhau chúng ta cũng nên tránh né họ để không vướng vào thị phi, không sân hận, không dẫn tới phiền não.

3.6 Buông xả phiền não nhờ pháp trừ diệt

Trừ diệt là gì? Là ngay khi nhận thấy dấu hiệu của phiền não, ngay lập tức ta cần quán chiếu lại mình, loại bỏ và diệt trừ “ngay từ trong trứng nước”, không cho phiền não có cơ hội được tiến triển và ngày càng tăng lên. 

Pháp này được thực hành trong mọi mặt, mọi vấn đề của cuộc sống ví dụ như khi vợ chồng có điều không hài lòng về nhau, thay vì giữ trong lòng, chuyện nhỏ tích nhiều hóa lớn dẫn tới phiền não u buồn tăng lên, chúng ta cần ngồi lại, nói chuyện và giải quyết dứt điểm ngay khi sự việc xảy ra, phiền não cũng vì vậy mà bị diệt trừ sớm.

học cách buông bỏ phiền não

Diệt trừ phiền não ngay khi phát sinh, không cho nó cơ hội kéo dài khó dứt

3.7 Phiền não được xóa bỏ nhờ tu tập

Như trên đã phân tích, phiền não do vô minh mà ra cho nên tu tập có ý nghĩa quan trọng trong việc đoạn trừ và chuyển hóa phiền não. 

Phật giáo cũng nhấn mạnh rằng, tùy vào điều kiện, căn cơ, trình độ của mình mỗi người có thể lựa chọn pháp môn tu tập khác nhau trong đó pháp môn niệm Phật là pháp môn dễ tu tập, có ích trong việc diệt trừ phiền não mà chúng ta nên cân nhắc và thực hành.

Hy vọng rằng, qua bài viết này của chúng tôi quý vị đã hiểu rõ phiền não do đâu mà ra, nó tồn tại dưới các “hình tướng” ra sao và hóa giải phiền não bằng cách nào để từ đó cuộc sống vui vẻ, an lạc, hạnh phúc hơn.

XIN THƯỜNG NIỆM "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT"