Định kiến là gì? Nguồn gốc, tác hại và cách vượt qua định kiến

26/04/2023

Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe tới 2 từ “định kiến” và sức mạnh của nó đối với đời sống của mỗi người và toàn xã hội. Đọc ngay bài viết này để hiểu đầy đủ và chi tiết về định kiến là gì, sinh ra từ đâu, có tác hại như thế nào và quan trọng nhất chính là cách để vượt qua định kiến để có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn.

1. Định kiến là gì?

Định kiến hay còn được gọi là thành kiến là cụm từ dùng để chỉ những ý kiến, quan điểm được hình thành trước cả khi mỗi người (chúng ta) nhận thức các dữ kiện có liên quan hoặc trước khi ta biết rõ những thông tin xung quanh một sự kiện cụ thể nào đó. 

Nói một cách dễ hiểu hơn, “định kiến” thường được sử dụng để chỉ cách suy nghĩ, quan điểm, cách nhìn nhận mang tính chủ quan hay những quan điểm mang hơi hướng tiêu cực, không thuận lợi với một người hoặc một nhóm người xuất phát từ những khác biệt và dẫn tới sự phân biệt đối xử. 

định kiện

Định kiến khiến cuộc sống của chúng ta tiêu cực hơn

Định kiến được hình thành từ những niềm tin có thể có căn cứ hoặc không có căn cứ, thậm chí bao gồm cả những thái độ không hợp lý và bất thường. Gordon Allport định nghĩa về từ định kiến như sau: "Cảm giác, thuận lợi hoặc bất lợi, đối với một người hay một vật, trước khi tiếp cận hoặc không dựa trên kinh nghiệm thực tế".

Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, từ định kiến được định nghĩa là “ý kiến riêng đã có sẵn, khó có thể thay đổi được”. Các nhà tâm lý học Xô Viết cho rằng định kiến là những quan niệm có tính máy móc, đa phần không đúng với sự thật về một cá nhân, một nhóm người hoặc một vấn đề nào đó.

Lý giải về câu hỏi “Định kiến là gì”, theo Fischer định kiến là một loại phân biệt đối xử được tạo lập từ 2 thành tố chính bao gồm nhận thức và cách ứng xử. Theo đó, định kiến là tập hợp những thái độ hay cách ứng xử bao hàm sự đánh giá có tính một chiều (mang tính chủ quan) và sự đánh giá đó có ý nghĩa tiêu cực đối với cá nhân khác hoặc nhóm người khác hay một sự kiện xã hội.

định kiến là gì

Ảnh minh họa về nghĩa của từ định kiến

Theo J.P.Chaplin, định kiến là thái độ có thể là tích cực hoặc là tiêu cực được hành thành trước khi chúng ta nhận thức về một người, một nhóm người hay một vấn đề, sự kiện dựa trên những dấu hiệu rõ ràng nhưng bao hàm yếu tố cảm xúc rất mãnh liệt. Định kiến cũng được xem là lòng tin hoặc cách nhìn nhận mang ý nghĩa không tích cực, không thiện cảm làm cho 1 người có cách nghĩ, cách ứng xử tương tự như vậy với những người khác. Mặc dù người Việt thường sử dụng cụm từ định kiến và thành kiến với ý nghĩa tương tự nhau nhưng chúng ta vẫn cần phải làm rõ điểm khác biệt về nghĩa của 2 từ này, cụ thể là:

Định kiến: Ý nghĩ, quan điểm cố định về người hay vật, xuất phát dựa trên cảm tính, cảm xúc cá nhân hoặc cách nhìn sai lệch, đi theo chiều hướng đánh giá thấp. 

Thành kiến: Ý nghĩ, quan điểm đã “hình thành sẵn rồi”, thành một nếp suy nghĩ hoặc ứng xử cố chấp, khó thay đổi. 

Nói tóm lại, định kiến được hiểu là những ý kiến, ý nghĩ, quan điểm của một hoặc một nhóm đối tượng nào đó được hình thành trước khi nhận thức chính xác về một người, một nhóm người hoặc một vấn đề. Định kiến mang tính chủ quan, không thật sự chính xác, thậm chí có lúc rời xa thực tế. 

Để hiểu rõ hơn định kiến là gì, bạn có thể hình dung bằng các ví dụ sau đây:

  • Chuyện bếp núc, con cái là của phụ nữ. Nhiều người cho rằng, phụ nữ nên ở nhà thay vì ra ngoài kiếm tiền, làm các công việc xã hội.

  • Thời xa xưa, phụ nữ không được tới trường, trường học chỉ dành cho nam giới.

  • Khi bạn nói với ai đó rằng “Bạn còn quá trẻ để hiểu” cũng có nghĩa bạn đang có định kiến dựa trên tuổi tác.

  • Phân biệt đối xử dựa trên những định kiến về màu da, chủng tộc…

định kiến xã hội

Định kiến thường mang tính chủ quan, thiếu đi sự chính xác, rời xa thực tế

2. Định kiến tiếng anh là gì?

Trong Tiếng Anh, Prejudice có nghĩa là định kiến - Những ý kiến, suy nghĩ mang tính chủ quan, cố định không thể thay đổi. 

3. Nguồn gốc của định kiến xã hội

Định kiến xã hội là định kiến của một tập thể, một nhóm người, một xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến các mối quan hệ và sự phát triển chung của xã hội.

Định kiến xã hội từ đâu mà có? Lý giải về điều này, nhiều nhà tâm lý, xã hội học cho rằng, 2 điểm mấu chốt dẫn tới hình thành định kiến xã hội chính là:

  • Định kiến được hình thành và lưu truyền thông qua các hình thức cộng đồng như truyền miệng, các tập tục trong sinh hoạt, ý thức chung của cộng đồng. Ban đầu, để giữ vị thế và lợi ích cho mình nên người ta đặt ra các quy tắc, luật lệ riêng sau đó dần dần hình thành thái độ cảnh giác, cái nhìn khác với một nhóm người hoặc một cộng đồng khác. Người Việt có câu “Phép vua thua lệ làng”, phần nào phản ánh những định kiến trong một làng có thể có uy lực hơn cả những quy tắc chung.
  • Định kiến sinh ra từ những quan niệm không đúng, sai lệch về một nhóm người hoặc một vấn đề xã hội. Ví dụ về định kiến “Một giọt máu đào hơn ao nước lã” đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt. Chính vì định kiến này mà mối quan hệ con dâu - mẹ chồng chẳng mấy khi tốt đẹp thậm chí rất căng thẳng chỉ vì “không cùng huyết thống”, con rể và nhà vợ luôn khách sáo với nhau cũng vì không phải máu mủ ruột già…

định kiến tiếng anh là gì

Định kiến của một nhóm người, một xã hội thì gọi là định kiến xã hội

4. Nguyên nhân hình thành định kiến

Định kiến được hình thành và tồn tại bởi nhiều nguyên nhân khác nhau trong đó cơ bản nhất bao gồm các yếu tố sau đây:

Điều kiện kinh tế - xã hội 

Triết học Mác - Lênin cho rằng “Vật chất quyết định ý thức”, nói một cách khác, điều kiện kinh tế xã hội là nguyên nhân tác động tới quá trình “tạo tác”, hình thành lên những định kiến. Sau lũy tre làng, đời sống đói kém, khổ sở, không có điều kiện để học hành, phát triển tư duy cũng không được ra ngoài tiếp xúc với các nền văn hóa khác sẽ khiến cho các định kiến ăn sâu vào suy nghĩ, không thể thay đổi. 

Thời gian hình thành và duy trì định kiến

Có rất nhiều định kiến được sinh ra từ thuở xa xưa, được lưu truyền qua các ghi chép, được truyền miệng từ đời này sang đời khác, ăn sâu vào suy nghĩ của con người, trở thành một cách nghĩ “cố hữu” khó mà thay đổi được. Định kiến đã hình thành và tồn tại lâu đời càng khó thay đổi ví dụ như định kiến về sự khác biệt màu da, chủng tộc giữa người da đen và da trắng. 

tác hại của định kiến

Định kiến càng tồn tại lâu càng khó thay đổi

Định kiến một phần phản ánh nét văn hóa và phong tục vùng miền, cũng chính là miêu tả cho những chuẩn mực, quy tắc đã có từ lâu đời khiến cho con người sinh ra, lớn lên ở đó khó vượt qua được các rào cản để tiếp nhận tư duy, nhận thức mới ví dụ như ở thời phong kiến, phụ nữ Việt Nam phải “Công - Dung - Ngôn - Hạnh”, “Tam tòng Tứ Đức”... Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, sự giao thoa văn hóa, các quan niệm về tiêu chuẩn của người phụ nữ “hình mẫu lý tưởng” cũng có nhiều thay đổi. 

Sự sai lệch trong cách nhìn nhận của con người

Hiển nhiên rồi, định kiến được hình thành từ những sai lệch trong cách nhìn nhận, nhận thức của con người. Ví dụ tư tưởng “Trọng nam khinh nữ”, cho rằng đàn ông giỏi giang hơn phụ nữ, phụ nữ nên giỏi bếp núc, việc nhà… dẫn tới sự phân biệt về giới tính, mất bình đẳng giới. 

thế nào là định kiến

Sự sai lệch trong nhận thức và tư duy của mỗi người dần hình thành nên định kiến

5. Định kiến và những tác hại của định kiến

Cảm giác tiêu cực, thiếu thiện chí, làm thấp hoặc mất đi các quyền lợi hay giá trị của một người, 1 sự việc hoặc dẫn tới phân biệt giới tính, mất bình đẳng trong các mối quan hệ chính là tác hại dễ thấy nhất của định kiến. 

  • Định kiến làm mối quan hệ của con người với con người ngày càng trở nên xa cách dẫn tới sự cô lập. 

  • Khi định kiến có sức mạnh quá lớn (được nhiều người xem là đúng đắn) và trở thành chuẩn mực của xã hội sẽ khiến xã hội ngày càng thụt lùi ví dụ như thời phong kiến, một số định kiến về nữ giới làm cho hôn nhân và cuộc sống của nữ giới cực kỳ khó khăn, khổ cực, ít người thật sự hạnh phúc. 

  • Người bị định kiến dễ bị cô lập, khó hòa nhập với cộng đồng, họ sẽ mang trong mình những tổn thương rất lớn cả về mặt thể xác lẫn tinh thần.

  • Định kiến chính là nguồn gốc dẫn tới sự phân biệt, đối xử con người trong xã hội. Từ định kiến cho rằng người phụ nữ không chồng mà chửa (chửa hoang) là người mất nết, bị coi thường, dị nghị đã dẫn đến sự xuất hiện của các hủ tục “cạo đầu bôi vôi”, “thả bè trôi sông”... 

  • Định kiến giới dẫn tới mất cân bằng giới tính. Định kiến “trọng nam khinh nữ” đã có từ rất lâu đời, ăn sâu vào tiềm thức của người Việt và cho tới nay, tại các vùng nông thôn, quan niệm này vẫn rất mạnh mẽ. 

dinh kien

Định kiến làm cho các mối quan hệ trở nên xa cách hơn, người bị định kiến dễ bị cô lập với những người khác

6. Lời khuyên giúp bạn vượt qua định kiến

Chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng, định kiến sẽ luôn tồn tại trong cuộc sống và rất khó để loại trừ nó hoàn toàn bởi nó đã ăn sâu vào tiềm thức và cách suy nghĩ từ bao đời nay, không thể thay đổi hay xóa bỏ trong một thời gian ngắn.

Điều đó không có nghĩa là chúng ta hãy cứ sống mãi với những định kiến, ngược lại, nhận ra những định kiến chính là bước đầu tiên giúp ta có thể vượt qua nó, sống vui vẻ, hạnh phúc hơn. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

  • Trước tiên hãy xác định nguyên nhân xuất hiện của định kiến đó 
  • Dùng những biện pháp cụ thể và thiết thực để tác động, thay đổi những định kiến đó 

Ví dụ cụ thể:

Từ trước tới nay, mối quan hệ của bạn và mẹ chồng chưa thật sự tốt vì mẹ bạn là người của thế hệ trước và luôn cho rằng “Con dâu không phải máu mủ của mình”, bạn hãy dùng hành động để chứng minh cho bà thấy rằng, con dâu hay con gái cũng là con, yêu thương chân thành sẽ giúp các mối quan hệ trở nên gắn kết hơn. Bạn hãy thay đổi từ chính mình và dần dần thay đổi những người xung quanh.

định kiến là gì

Định kiến về mối quan hệ mẹ chồng nàng đã có từ rất lâu

Hãy nhớ rằng, bạn cần phải có niềm tin vào bản thân mình, không ngừng học tập, trau dồi kiến thức để có tư duy, nhận thức rộng mở hơn, đây là nền tảng để bạn thoát ra, không bị trói buộc bởi những định kiến, từ đó bạn có thể giúp những người xung quanh không bị chi phối, tác động quá nhiều bởi những định kiến. 

Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ xung quanh chủ đề “Định kiến”, hy vọng bài viết hữu ích với bạn, góp phần giúp bạn sống cởi mở hơn, vượt ra những quy tắc cổ hủ, những thành kiến của xã hội để thành công, hạnh phúc hơn!