Từ Bi Là Gì? Ý Nghĩa Của Từ - Bi - Hỷ - Xả Trong Đạo Phật

Một trong những phẩm hạnh cao quý nhất của con người chính là lòng từ bi. Khi cuộc sống nhân sinh có lòng từ bi thì hạnh phúc thăng hoa, niềm vui bao phủ tất thảy, diệt trừ sân hận và khổ đau, phiền não. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ từ bi là gì, lợi ích của lòng từ bi và cách rèn luyện, huân tập lòng từ bi để sớm thoát khỏi trói buộc cõi nhân sinh.

XIN THƯỜNG NIỆM "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT"

Từ bi là gì

Từ bi là gì?

1. Từ bi là gì dưới góc nhìn dân gian?

Trong quan niệm của nhân gian, cụm từ “từ bi” được dùng để nói đến, chỉ đến tất cả những gì mang trong mình hàm nghĩa lương thiện và có tính năng giúp đỡ người khác ví như tấm lòng thương người, lương thiện gọi là lòng từ bi, người hiền từ, hay giúp đỡ người khác, luôn sẵn sàng cho đi gọi là người từ bi, chùa là nơi từ bi… 

Nói một cách khái quát và dễ hiểu nhất thì từ bi là lòng thương người, thương vật xung quanh ta, không vị kỷ (vị kỷ là chỉ biết mình, nghĩ cho mình), luôn yêu thương và cho đi, đặc biệt là lòng giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn, đau khổ, bất hạnh. 

Chữ “bi” là từ thuần Phật giáo và ảnh hưởng trực tiếp tới quan niệm nhân gian về lòng từ bi. Đây chính là niềm tin về những điều tốt đẹp, thiện lương giữa người với người.

2. Đạo Phật luận giải tâm từ bi là gì?

Phật giáo nhận định rằng, tâm từ bi là tâm lý tối thượng mà không phải ai cũng có thể có được, hành động từ bi là hành động mang ý nghĩa thiện nhất trong các loại thiện. Từ bi là cội nguồn, gốc rễ và nền tảng căn bản trên con đường tâm linh khi bản chất của từ bi chính là vẻ đẹp thanh khiết và hạnh phúc cao thượng.

Từ bi hỷ xả là gì?

Từ bi là cho đi từ tâm, yêu thương, rung động trước sự khổ đau của người khác và mong ước mọi điều khổ đau, bất hạnh được diệt trừ

XEM THÊM: Giác ngộ là gì? Ý nghĩa của giác ngộ dưới góc nhìn Phật giáo

2.1 Hiểu từ bi theo Thắng Pháp Tập Yếu Luận

Từ - Bi - Hỷ - Xả là 4 phẩm hạnh cao quý của một bậc chân tu trong đó Từ - Bi được xem là nền tảng cơ bản nhất của con được tâm linh. Tâm từ bi là gì?

“Từ” (Tiếng Phạn Mettà) có nghĩa là làm cho dịu, dịu bớt đi, thương yêu cũng chính là mong ước về sự an lành cho hết thảy chúng sinh. Từ (Mettà) không phải là tình thương yêu về vật chất cũng không được hiểu là một thứ tình cảm riêng tư, nó có nghĩa là “dành cho tất cả chúng sanh, không trừ bất cứ một ai”. Đối tượng của “Từ” là chúng sanh đáng yêu, đáng kính trọng, đáng mến mộ”. Cùng tột (Cảnh giới cao nhất) của Mettà chính là sự thể nhập bản ngã (cái tôi, ta) với tất cả chúng sanh (Sabbatthtà).

Thắng Pháp Tập Yếu Luận cũng chỉ ra rằng, tâm từ không có tâm riêng biệt như các loại tâm khác mà đồng sanh với tất cả tịnh hảo tâm. 

Về từ bi (Karunà), từ ngữ căn Kar (làm) + Unà có nghĩa là cái Tâm thêm rung động trước những sự khổ đau của chúng sanh hay cái làm tiêu tan đi sự khổ đau của nhân sinh. Đặc tính của tâm “Bi” chính là lòng thương xót trước sự đau khổ của người khác từ đó mong cầu mọi sự khổ đau đó sẽ được diệt trừ. 

Cả “Từ” và “Bi” đều đi với chữ Tâm (Citta) nên ta thường thấy Phật giáo đề cập tâm Từ, tâm Bi. 

Xét về mặt đối tượng của “Từ” và “Bi” là không đồng sanh với nhau, “Từ” là chúng sanh đáng yêu, đáng kính trọng hay đáng mến mộ còn đối tượng của “Bi” là những người đang bị khổ đau, bất hạnh. 

Xét về mặt tâm lý riêng biết thì tâm “Từ” và tâm “Bi” không song hành, đi đôi với nhau và không câu hữu với “Xả” vì không cùng một đối tượng chúng sanh.

Từ bi hỷ xả là gì

Từ bi sẽ hóa giải Sân hận, thù ghét, tàn bạo

2.2 Hiểu từ bi theo Thanh Tịnh Đạo Luận

Trong Thanh Tịnh Đạo Luận, từ bi là gì? Có thể hiểu như sau:
“Từ” có nghĩa là hóa giải, làm tiêu tan, hòa tan những uẩn kết còn “Bi” là tiêu hủy, hóa giải những nỗi khổ của người khác từ đó đem lại sự an lạc, làm giảm bớt, lắng dịu hoặc triệt tiêu cái “ác tâm”, triệt tiêu sự khổ đau, tàn bạo. Tâm Từ Bi khởi phát để diệt tâm Sân hận, tâm ác. Tựu chung lại, Từ là cơ sở, căn nguyên để giải thoát, Bi là điểm tựa cho không vô biên xứ.

NÊN ĐỌC: Tham Sân Si là gì? Cách buông bỏ tham - sân - si theo Đạo Phật

2.3 Từ bi theo Kinh Đại Bảo Tích

Theo Kinh Đại Bảo Tích, từ bi là lòng thương yêu tất cả chúng sanh theo lẽ thường của nhân sinh, không có sự phân biệt, không có bất cứ điều kiện gì. 

Như vậy, từ bi là một phẩm hạnh cao quý, rung động trước sự đau khổ, niềm vui của người khác, xem đó cũng chính là niềm vui, nỗi khổ của mình. Từ đó, mong cầu niềm vui được nhân lên, khổ đau được diệt trừ cho tất cả mọi người, không có bất cứ sự phân biệt nào, không ai khác biệt. Tư bi chính là hạnh phúc cao thượng nhất! 

Lòng từ bi là gì

Từ bi chính là hạnh phúc cao thượng nhất, không có sự phân biệt, không tồn tại sự riêng tư

3. Từ bi hỷ xả nghĩa là gì?

Tứ vô lượng tâm là 4 đức tính tiềm tàng trong mỗi chúng ta ngay từ khi sinh ra, tuy nhiên chúng được biểu hiện khác nhau, biến chuyển không ngừng tùy thuộc vào hoàn cảnh, “tâm” “trí” của mỗi người. Ai có tứ vô lượng tâm sẽ luôn thấy được an yên, vui vẻ, hạnh phúc, bình thản, hòa mình vào với vạn vật, thế giới xung quanh. Tứ vô lượng tâm chính là Từ - Bi - Hỷ - Xả. Vậy, Từ bi hỷ xả nghĩa là gì?

  • Tâm Từ: Là tấm lòng yêu thương, bao dung với tất cả mọi người, mọi vật xung quanh mình với tâm thế “bình đẳng, khách quan” nhất, không trách móc, không lên án khi người khác làm sai, làm điều không phải. Đây không có nghĩa là bao che hay né tránh mà là sự nhìn nhận bao dung, tìm ra căn nguyên, gốc rễ của vấn đề.
  • Tâm Bi: Là lòng xót thương, sự rung động đối với khổ đau, phiền não của người khác dựa trên lý trí sáng suốt, có sự đồng cảm nhưng không phiền lụy. 
  • Tâm Hỷ: Là hân hoan, vui mừng, vui sướng. Người có tâm Hỷ là người hòa mình vào niềm vui, hạnh phúc của chúng sinh, của người khác khi có được may mắn, thiện nghiệp hoặc những điều tốt đẹp. Tâm Hỷ giúp mỗi người luôn ở trạng thái tâm lý vui vẻ, hân hoan trước bất cứ sự vật, sự việc nào dựa trên sự sáng suốt của lý trí chứ không phải chỉ là cảm tính, “cố tỏ ra”.
  • Tâm Xả: Khi nhắc đến từ Xả nhiều người cho rằng, Xả có nghĩa là buông bỏ hết mọi thứ bao gồm cả phiền muộn, khổ đau, những điều không như ý. Ý hiểu này không sai nhưng chưa đầy đủ. Theo giáo lý nhà Phật, “Xả” có nghĩa là buông bỏ những tạp niệm, những phiền não, bi ai, những suy nghĩ trói buộc khiến mình và người mệt mỏi để có được sự an lạc trong Tâm.

Bởi vậy mà chỉ khi có trong mình 4 tứ vô lượng tâm Từ - Bi - Hỷ - Xả, chúng sinh mới có thể không còn ngã chấp, thanh tịnh và giải thoát. 

Tâm từ bi là gì?

Từ - Bi - Hỷ - Xả chính là tứ vô lượng tâm có sẵn trong mỗi chúng ta

4. Lợi ích của tâm từ bi

Ở phần nội dung trên bạn đã biết thế nào là tâm từ bi dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Trong cuộc sống, lòng từ bi mang lại rất nhiều lợi ích (diệu dụng) mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể nhìn thấy. 

  • Khi tâm Từ xuất hiện thì lòng sân hận sẽ được giảm bớt hoặc không còn cơ hội để phát sinh. Phàm mọi chuyện trên đời xuất phát từ sự nóng giận đều không có được kết quả tốt đẹp thậm chí từ sân hận mà gây ra nhiều tai họa. 

Thí dụ như, một mối quan hệ với bạn bè cũng có thể tiêu tan khi nóng giận; chỉ vì không hài lòng với một chuyện nhỏ nhưng không kiềm chế được sự nóng giận mà đánh nhau tới sứt đầu mẻ trán. Về điều này, đạo Phật có câu “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”, có nghĩa là khi một ý nghĩ giận hờn xuất hiện đã mở ra cả trăm ngàn chướng ngại khác nhau. 

  • Tâm Bi là lòng xót thương cứu độ, sự rung động trước cái khổ đau, bất hạnh của chúng sinh và mong ước diệt trừ những điều khổ đau đó, tâm Bi khác với ái kiến, tâm “Bi” không có sự phân biệt chấp trước. Có lòng từ bi, khổ đau, tàn bạo được giảm trừ, người và vật không tàn sát lẫn nhau, thế gian được hưởng phước lành. 

Mỗi người nếu đều có tâm từ bi thì sân hận, tàn sát, khổ đau không có cơ hội khởi lên, ác nghiệp không được gieo, sinh tử luân hồi từ đó cũng có nhiều biến chuyển.

Từ bi nghĩa là gì

Thế giới hòa bình và tươi đẹp biết bao khi có lòng từ bi ở khắp mọi nơi, trong mọi con người

5. Xây dựng, huân tập lòng từ bi bằng cách nào?

Đức Phật dạy rằng, mỗi người khi sinh ra đã có sẵn trong mình tứ vô lượng tâm (Từ - Bi - Hỷ - Xả” nên việc huân tập lòng từ bi không phải là việc làm không tưởng, nhờ vào “quán từ bi”

5.1 Pháp quán từ bi 1: Chúng sinh duyên từ

Bằng việc quán sát cảnh khổ của những người, những vật xung quanh ta mà phát khởi lòng từ bi. Cảnh khổ ở đây có thể là đói nghèo, ngu dốt, si mê, phiền não nhiễm ô… Ý nghĩa của quán từ bi này thể hiện rõ ở chỗ “coi chúng sinh trong lục đạo, ở khắp mười phương đều như bà con thân thuộc của ta” từ đó hòa hợp, dùng cảm tình để huân tập lòng từ bi của mình. 

Chúng ta cũng cần chú ý rằng, loài người đều giống nhau về bản chất, đều bằng da bằng thịt, có khổ có sướng, có phúc có họa chỉ khác nhau về màu da, màu tóc, ngôn ngữ,... là những hình thái bên ngoài cho nên cần phá bỏ sự vị kỷ, coi tất cả mọi người là thành viên trong gia đình mà yêu thương, trân trọng.

Ứng dụng vào đời sống thực tiễn, ta có thể huân tập lòng từ bi từ những việc nhỏ nhặt nhất như kính trọng người lớn tuổi, yêu thương, bình đẳng với những người ngang mình, yêu mến, chăm sóc những ai nhỏ hơn mình…

5.2 Pháp quán từ bi 2: Pháp duyên từ 

Lòng từ bi phát khởi từ việc quán sát thấy mọi chúng sinh và mình là người cùng chung một “pháp giới tánh”, không phân biệt nam - nữ, không có khái niệm “người nhà - người thân hay người xa lạ” mà chỉ cần làm sao cho họ được hết khổ, thoát khỏi các trói buộc.

Từ bi hỷ xả có nghĩa là gì?

Huân tập lòng từ bi với “quán từ bi”

5.3 Pháp quán từ bi 3: Vô duyên từ

Vô duyên từ là lòng từ bi không còn dụng công cũng chẳng còn quán sát, đây là pháp quán cao siêu dành cho các Đại Thừa. Chúng ta chỉ có thể áp dụng 2 pháp quán từ bi 1-2 vào trong cuộc sống của mình, của người cạnh mình mà thôi.

Như vậy, lòng yêu thương, bác ái, đồng cảm trước sự khổ, niềm vui của người khác và mong cầu tất thảy chúng sinh được an lành, hạnh phúc chính là đáp án cho câu hỏi từ bi là gì. Xin nhấn mạnh một lần nữa rằng, tâm từ bi là một phẩm hạnh cao quý mà chúng ta cần hướng tới, giúp cho cuộc sống luôn an lạc, bình an, là tiền đề cho sự giải thoát, diệt trừ khổ đau, phiền muộn.

Dù bạn là ai, nghèo đói hay giàu sang, thành đạt hay thất bại, vui sướng hay buồn khổ, bạn hãy huân tập và phát khởi lòng từ bi để mình để có thể giảm bớt khổ đau, sống an lạc hơn vì mong cho người tốt đẹp từ tâm, không dụng công chắc chắn mình sẽ được hưởng điều phước lành!

XIN THƯỜNG NIỆM "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT"