Tam giới là gì? Ý nghĩa của các cõi giới trong thuyết nhà Phật

Trong đạo Phật, thuật ngữ Tam giới được sử dụng rất nhiều để nói về cảnh giới trong vòng sinh tử luân hồi. Vậy Tam giới là gì? Bao gồm các cõi giới nào? Cùng Truyền hình An Viên tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây!

XIN THƯỜNG NIỆM "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT"

1. Tam giới là gì theo thuyết nhà Phật?

Tam giới là ba cõi của vòng sinh tử luân hồi, khái niệm Tam giới này có thể hiểu là vũ trụ quan của đạo Phật.

Trong khái niệm đơn thuần, Tam giới (ba cõi – tiếng Phạn: Triloka) là toàn bộ thế giới quan, chủng loài. Hiểu theo nghĩa khác, Tam giới là nói về những cảnh giới trong vòng sinh tử luân hồi. 

tam giới là gì

Tam giới bao gồm Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới

Tam giới bao gồm: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Dục giới là chỗ ở của các loài chúng sanh chưa ly dục, còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt. Sắc giới là chỗ ở của các loài chúng sanh đã ly dục, nhưng còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt. Vô sắc giới là chỗ ở của các loài chúng sanh đã ly dục và sắc, song cũng còn tạp phiền não và các uẩn sai biệt.

Khi nào con người vẫn còn trong Tam giới thì vẫn bị chi phối bởi nhiều phiền não. Chỉ khi nào đạt quả vị giác ngộ thì sẽ được giải thoát ra khỏi ba cõi.

2. Các loại chúng sanh trong Tam giới

Trong tam giới, các chúng sanh sẽ được chia thành 4 loại - gọi là Tứ sinh, bao gồm: loại sanh thanh, loại sanh trứng, loại sanh ở nơi ẩm ướt, loại hóa sanh.

Trong 4 loại trên, được hiểu theo thứ tự từ cao xuống thấp và có 6 nẻo: Cõi trời, Cõi thần (A-tu-la), Cõi người, Cõi súc sinh, Cõi ngạ quỷ (quỷ đói), Cõi địa ngục

Trong 6 nẻo trên, tùy vào nghiệp nhân lành dữ sai biệt, nên chúng sanh từ sắc thân, thọ lượng, cho đến sự thọ dụng, có đẹp xấu, vui khổ không đồng. 

3. Các cõi giới trong đạo Phật

Bất cứ chúng sinh nào thuộc về ba cõi này thì sẽ không thể bất tử, nghĩa là còn phải tái sinh luân hồi. Ba cõi ấy là gì?

Dục giới (Kamadhatu)

“Dục” được hiểu là ham muốn. Cõi Dục giới là cõi của ham muốn vật chất và dục vọng thể xác. Chúng sinh trong cõi này sẽ gây ra nhiều đau khổ, tội lỗi bởi đam mê theo những thú vui về ăn uống, âm thanh, mùi hương, chạm xúc và dâm dục,...

Các loài chúng sinh trong cõi Dục này gồm có: Người, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ và Súc sinh. Trong 5 loài này thì loài Người có tâm ý phát triển cao hơn hết, ở đó có cả bi thương, đau khổ muộn phiền và niềm vui hạnh phúc xen lẫn. Theo đó, cảnh giới loài Người được lựa chọn là nơi sinh ra của các vị Bồ tát để dễ dàng tu tập môn pháp, phụng sự chúng sanh.

Xem chi tiết nội dung tại: Tam giới là gì? 4 loại chúng sinh tam giới

tam giới là gì

Loài Người có tâm ý phát triển cao hơn hết

Sắc giới (Rupadhatu)

“Sắc” được hiểu là hình tướng, vật chất. Đây là cõi của các vị Phạm Thiên, có hình tướng, thân thể rất đẹp đẽ với những vật chất (như cung điện,... ) rất tinh diệu. Chúng sinh ở cõi này lìa sự nhiễm dục, không ham muốn dục vọng, từ thân đến cảnh đều là sắc chất trang nghiêm, thanh tịnh. Cõi này chỉ sống trong thiền định. 

Tùy theo mức độ cao thấp của thiền định, cõi Sắc được chia làm 4 bậc, gồm 18 cõi Trời.

Cõi sơ thiền

Cõi Sơ thiền gồm 3 cõi Trời: Phạm chúng (các vị tùy tùng của các vị Phạm Thiên); Phạm phụ (các vị trời thân cận của các vị Phạm Thiên); Đại phạm (các vị Phạm Thiên có được sự tôn kính và tuổi thọ cao nhất trong cõi Sơ thiền). 

Ở cõi này, thân thể của các vị Phạm Thiên khác nhau, nhưng cách suy nghĩ thì đều giống nhau, và trong tám thức thì không còn có tri thức và thiệt thức hoạt động.

Cõi nhị thiền

Cõi Nhị thiền là cõi của ánh sáng, bao gồm 3 cõi Trời: Thiểu quang (các vị trời có ít ánh sáng); Vô lượng quang (các vị trời có ánh sáng vô cùng), Quang âm (các vị trời có ánh sáng rực rỡ). Các vị Phạm Thiên ở đây đều có thân thể giống nhau nhưng cách suy nghĩ thì khác nhau, và trong tám thức thì từ cõi Nhị thiền này trở lên, cả năm thức cảm giác đều không còn hoạt động.

Xem kiến thức Phật giáo tại bchannel.vn

Cõi tam thiền

Cõi Tam thiền gồm 3 cõi Trời: Thiểu tịnh (hào quang nhỏ); Vô lượng tịnh (hào quang vô hạn); Biến tịnh (hào quang không xao động). Tất cả tâm và thân của các vị trời ở cõi Tam thiền đều thanh tịnh.

Cõi tứ thiền

Là cõi cao nhất của Sắc giới, nơi chúng sinh sống trong cảnh tĩnh tâm, ngay cả ý thức cũng không còn hoạt động. 

Cõi tứ thiền gồm 9 cõi Trời: Vô vân (cảnh giới quang đãng); Thiện hiện (tự tại); Sắc cứu cánh (cảnh giới tối thượng); Vô tưởng (không còn tư tưởng); Phước sinh (cảnh giới trường cửu); Quảng quả (hưởng phước báo lớn); Vô phiền (tinh khiết); Vô nhiệt (thanh tịnh); Thiện kiến (cảnh giới đẹp).

coi tứ thiền tam giới

Cõi tứ thiền là cõi cao nhất của Sắc giới, nơi chúng sinh sống trong cảnh tĩnh tâm

Vô Sắc giới (Arupa Dhatu)

Là cõi cao nhất trong ba cõi, không có ham muốn dục vọng, không có vật chất mà chúng sinh sống trong cõi này chỉ có thiền định thâm diệu. Bởi họ đã trừ hết ham muốn về giới tính, thể xác. Theo đó, họ cũng không phải chịu đựng những khổ đau. Nhưng họ vẫn chịu những hành khổ không lối thoát trong kiếp luân hồi, tức là đến lúc nào đó tuổi thọ sẽ hết và sẽ phải chết đi để luân hồi sang kiếp khác. 

Bao gồm có 4 cõi Trời:

  • Cõi không gian vô biên: Cảnh giới của các vị trời chỉ thấy có không gian vô biên, gọi là không vô biên xứ định.
  • Cõi tâm thức vô biên: Cõi chỉ thấy có tâm thức vô biên, gọi là thức vô biên xứ định.
  • Cõi vô sở hữu: Cõi này không còn có bất cứ một hiện tượng gì, gọi là vô sở hữu xứ định.
  • Cõi phi tưởng phi phi tưởng: Cõi này không có tri giác mà cũng không phải là không có tri giác, gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Như vậy, bài viết trên đã tóm tắt những ý chính đọc giả để có thể hiểu được khái niệm cơ bản Tam giới là gì cũng như các cõi trong Tam giới. Hy vọng bài viết trên sẽ có ích giúp bạn đọc có thêm những thông tin khi tìm hiểu về đạo Phật.

XIN THƯỜNG NIỆM "NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT"