Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Là Gì? Trụ Sở GHPGVN Ở Đâu?

Giáo hội Phật giáo Việt Nam - Chào đón Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX, cùng Truyền hình An Viên nhìn lại chặng đường 41 năm hình thành và phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

1. Quá trình hình thành và phát triển của Phật giáo Việt Nam qua ngàn năm

Ngược dòng lịch sử, ngay từ những thế kỷ đầu Công nguyên, trên lãnh thổ Việt Nam, Phật giáo đã bắt đầu du nhập. Hòa mình vào dòng chảy văn hóa, đồng hành cùng những thăng trầm của lịch sử Việt Nam, Phật giáo đã trở nên gần gũi và giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo và tinh thần của người dân đất Việt qua ngàn đời.

1.1 Tinh thần Phật giáo thời Trần - thống nhất Phật giáo lần thứ 1

Sau một quá trình du nhập, tư tưởng Phật giáo đã đạt tới độ thống nhất cao và trở thành tư tưởng chủ đạo đem đến nguồn sinh lực nuôi dưỡng ý thức độc lập tự chủ dân tộc.

giáo hội phật giáo việt nam

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông đặt tại chùa Yên Tử, Quảng Ninh 

Dần dần, những tư tưởng căn bản của Phật giáo đã đi sâu vào đời sống văn hóa, giáo dục và phát triển thành tư tưởng vị dân sinh, gắn liền với nhu cầu của lịch sử, tiếp sức cho toàn dân trong những cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc vĩ đại của dân tộc.

Và đỉnh cao của tinh thần Phật giáo trong thời phong kiến phải kể đến nhà Trần. Đây chính là giai đoạn mà Phật giáo có sự thống nhất với Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông là người sáng lập và phát triển.

Trong giai đoạn phát triển của Phật giáo của nước ta thì Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử thực sự là tổ chức Giáo hội Phật giáo thống nhất đầu tiên, dung nạp được các dòng thiền được hình thành trước đó.

Tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm lấy tinh thần “hòa quang đồng trần”, “cư trần lạc đạo” đã góp phần thúc đẩy hòa hợp, thống nhất nhân tâm, củng cố và là nền tảng cho tư tưởng thân dân, lấy dân làm gốc trong đường lối trị quốc. 

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên trong Phật giáo Việt Nam, tăng sĩ có hồ sơ tại Giáo hội Trung ương. Có thể nói, Phật giáo thời Trần đã đạt được bước tiến lớn và sự thống nhất cao, làm tiền đề mạnh mẽ để Phật giáo thâm nhập sâu vào đời sống của mỗi người dân đất Việt.

Bài viết hiện tại: Giới thiệu Giáo hội Phật giáo Việt Nam

1.2 Tổng hội Phật giáo Việt Nam - Công cuộc thống nhất Phật giáo lịch sử lần thứ 2

Từ cuối thời Trần, nước ta rơi vào hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt với phương Bắc và Phật giáo chính là đối tượng bị quân địch đàn áp nặng nề nhằm hủy diệt văn hóa để đô hộ lâu dài.

Sau đó là nạn phân hóa quyền lực dưới thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, tiếp nữa là dưới thời Pháp thuộc, Phật giáo cũng chịu chung số phận của dân tộc. Và Phật giáo trong thời gian này được các nhà  sử học nhận định chung là giai đoạn “không mấy sáng sủa”.

Tuy nhiên, điểm sáng trong thời gian này là sự khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo do Hòa thượng Thích Khánh Hòa (1877-1947) đứng đầu. Phong trào xuất phát từ miền Nam, sau đó lan rộng ra cả nước. Trong làn sóng chấn hưng Phật giáo đó, nhiều hội đoàn Phật giáo đã được thành lập ở cả 3 miền nước ta. Tuy nhiên, những hội đoàn được thành lập lúc bấy giờ lại không có sự gắn kết và thống nhất cao trong định hướng và hành động.

Hiểu được điều đó, các Tăng sĩ có uy tín đã vận động đi đến sự thống nhất lần thứ hai trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Năm 1951, qua Hội nghị của đại biểu sáu tập đoàn Phật giáo Việt Nam đã thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam và suy tôn Trưởng lão hòa thượng Thích Tịnh Khiết (1891 - 1973) làm Hội chủ.

pháp chủ giáo hội phật giáo việt nam

Hình ảnh Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm 

Trong thời kỳ này, Tổng hội đã thành lập cơ quan ngôn luận là Tạp chí “Phật giáo Việt Nam”. Với sự liên kết và thống nhất, Tổng hội đã phát huy được sức mạnh tổng hợp và thành lập được những trung tâm đào tạo tài năng trẻ, hệ thống các Phật học viện. Đặc biệt, Tổng hội cũng đứng lên đấu tranh chống chính sách kỳ thị tôn giáo của Chính phủ Ngô Đình Diệm năm 1963, tạo ra tiếng vang và những dấu ấn lịch sử không chỉ đối với Phật giáo mà với cả dân tộc và thế giới.

Trong thời kỳ chia cắt Bắc Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, danh nghĩa Tổng hội cũng không trọn vẹn, đặc biệt là sự can thiệp của các thế lực khác cũng không muốn Phật giáo tiếp tục phát triển và thống nhất. Trong bối cảnh đó từ năm 1960, tại miền Bắc, Tăng Ni tại các vùng giải phóng đã tập hợp dưới tổ chức chung gọi là Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam do Hòa thượng Thích Trí Độ làm Hội trưởng.

1.3 Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất

Năm 1963, sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm sụp đổ, 6 tập đoàn cũ thuộc Tổng hội cùng với 5 tổ chức, tông phái Phật giáo thời bấy giờ đã tập hợp tại chùa Xá Lợi để thảo luận thống nhất dưới một tổ chức duy nhất là Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN).

GHPGVNTN ra đời như một bước tiến lớn, xóa bỏ tính biệt lập của các tập đoàn, đồng thời mở rộng các hệ phái, truyền thống Phật giáo mà trước đó chưa hiện diện trong Tổng hội như Phật giáo Nam tông.

Ban đầu GHPGVNTN có trụ sở tại chùa Ấn Quang. Điều hành mọi hoạt động của Phật sự là Viện Hóa đạo với hệ thống các Tổng vụ, chuyên trách trong từng lĩnh vực như Giáo dục, Văn hóa, Tài chính…

giáo hội phật giáo việt nam thống nhất

Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam năm 1981

Đến ngày 07/11/1981 tại Hà Nội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức được thành lập, kết tinh trí tuệ và nguyện vọng của Tăng Ni, Phật tử Việt Nam sau thời gian vận động thống nhất các tổ chức hệ phái trong cả nước.

Có thể nói, hơn hai ngàn năm lịch sử phát triển của dân tộc, Phật giáo đã luôn đồng hành, đồng cam cộng khổ với vận mệnh thăng trầm của lịch sử dân tộc, chống giặc ngoại xâm, tô điểm cho khối đại đoàn kết dân tộc.

2. Trụ sở của Trung Ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam 

Theo Hiến chương của Giáo hội, danh xưng của giáo hội là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, viết tắt là GHPGVN, tên tiếng Anh là "Vietnam Buddhist Sangha", viết tắt là "VBS"

GHPGVN có Văn phòng Trung ương Giáo hội đặt tại chùa Quán Sứ; Văn phòng Thường trực của Giáo hội tại TP. Hồ Chí Minh được đặt tại Thiền viện Quảng Đức.

  • Website chính thức: ghpgvn.vn
  • Địa chỉ: Văn phòng trung ương GHPGVN - Chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
  • Điện thoại: (04) 39422427; Fax: (04) 38223345
  • Email: vp1giaohoi@gmail.com

3. Logo chính thức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam 

Huy hiệu của GHPGVN hình tròn, nền xanh lá cây đậm, ở giữa vòng trong có hoa sen màu trắng 8 cánh, phía trong có gương sen 8 hạt màu trắng, biểu trưng cho Bát Chánh đạo; vòng ngoài có vòng chữ “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” màu trắng.

logo giáo hội phật giáo việt nam

Logo Giáo hội Phật giáo Việt Nam 

đức pháp chủ giáo hội phật giáo việt nam

Hình ảnh lá cờ của Phật giáo

4. Cơ cấu tổ chức của giáo hội Phật giáo Việt Nam

Theo hiến chương mới nhất được thông qua tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ VIII, hệ thống tổ chức được quy định như sau:

  • Cấp TW có Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. 
  • Cấp tỉnh, thành phố có Ban Chứng minh và Ban Trị sự Giáo hội Việt Nam tỉnh, thành phố.
  • Các cấp quận, huyện, thị xã thuộc tỉnh có Ban Chứng minh và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc.

4.1 Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Về Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam gồm Chư vị Hòa thượng tiêu biểu được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh tiền nhiệm giới thiệu và được Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam suy tôn.

Có thể nói, đây là cơ quan tối cao về Đạo pháp và Giới luật của GHPGVN. Hội đồng Chứng minh suy cử Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh để thực thi các chức năng, nhiệm vụ của hội đồng Chứng minh; giám sát và chứng minh các công tác Phật sự của Giáo hội.

Về chức danh của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh gồm:

  • Đức Pháp chủ.
  • Chư vị Phó Pháp chủ.
  • Chư vị Giám luật.
  • Chánh Thư ký.
  • Chư vị Phó Thư ký.
  • Chư vị Ủy viên Thường trực.

Nhiệm kỳ của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh là 5 năm tương đương với nhiệm kỳ của Đại hội Đại biểu toàn quốc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

4.2 Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Hội đồng Trị sự là cơ quan điều hành, quản lý hành chính cao nhất của GHPGVN. Thành viên của HĐTS gồm chư vị Hòa thượng, Thượng tọa, Ni trưởng, Ni sư, quý vị Đại đức, Tăng Ni, Cư sĩ có thành tích đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc.

Thành viên tham gia HĐTS không quá 80 tuổi, mỗi thành viên không kiêm nhiệm quá 02 chức danh trong nhiệm kỳ; mỗi chức danh không quá 03 nhiệm kỳ.

Về chức danh trong Ban Thường trực HĐTS GHPGVN gồm:

  • Chủ tịch.
  • 02 Phó Chủ tịch Thường trực.
  • Các Phó Chủ tịch chuyên trách.
  • Tổng Thư ký.
  • 02 Phó Tổng Thư ký.
  • Trưởng Ban Tăng sự.
  • Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo
  • Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử.
  • Trưởng Ban Hoằng pháp.
  • Trưởng Ban Nghi lễ.
  • Trưởng Ban Văn hóa.
  • Trưởng Ban Kinh tế Tài chính.
  • Trưởng Ban Từ thiện Xã hội.
  • Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế.
  • Trưởng Ban Thông tin Truyền thông.
  • Trưởng Ban Pháp chế.
  • Trưởng Ban Kiểm soát.
  • Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam.
  • Các Ủy viên Thư ký chuyên trách.
  • 02 Ủy viên Thủ quỹ.
  • Các Ủy viên Thường trực.

Nhiệm kỳ của Hội đồng Trị sự là 05 năm tương ứng với kỳ Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc.

5. Những đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên chặng đường phát triển

Trong suốt chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trên mọi mặt trận, từ công tác giáo dục, hoằng pháp… có thể kể đến như:

5.1 Góp phần xây dựng, hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

  • Đóng góp xây dựng, hoàn thiện nội dung chính sách tín ngưỡng, tôn giáo theo tinh thần “Ý Đảng - Lòng dân”.
  • Giáo hội đoàn kết, hợp tác với chính quyền Nhà nước xây dựng, hoàn thiện. thực thi chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

hiến chương giáo hội phật giáo việt nam

GHPGVN cùng đảng và nhà nước  tham gia hoàn thiện chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo 

  • Trách nhiệm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật, tín ngưỡng, tôn giáo.
  • Giáo hội đoàn kết, hợp tác với chính quyền ban, ngành xây dựng và thực thi chính sách về một số lĩnh vực trong hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

5.2 Đảm bảo an sinh cho người dân

  • Trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm: GHPGVN đã vận động ngày càng nhiều Tăng, Ni, Phật tử và các nhà hảo tâm đóng góp, ủng hộ cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Các nhà chùa, nhà sư luôn sẵn sàng giúp đỡ những người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Các Tự, Viện tiến hành thực hiện các chương trình từ thiện “mái ấm tình thương” ủng hộ lương thực, thực phẩm và các vận dụng cần thiết giúp người dân nhanh chóng ổn định lại cuộc sống. 

  • Hoạt động trợ cấp, trợ giúp xã hội: Hoạt động chăm sóc trẻ mồ côi và người già không nơi nương tựa là một trong những hoạt động nổi bật, thiết thực và mang ý nghĩa nhân văn cao. Hỗ trợ những “người yếu thế” được đảm bảo những điều kiện sống cơ bản như nhà cửa để ở, đồ ăn thức uống chống đói, quần áo để mặc, trường để học, bệnh viện chữa bệnh…

trưởng ban trị sự giáo hội phật giáo việt nam

Phật giáo có những đóng góp đáng kể trong công tác từ thiện cộng đồng 

  • Hoạt động chăm sóc thân nhân và gia đình người có công với cách mạng. Hằng năm GHPGVN các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng về lĩnh vực lao động - xã hội, tổ chức những buổi tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ Tăng Ni, Phật tử làm công tác an sinh xã hội. Tích cực tham mưu giải quyết những vướng mắc cho các đối tượng thụ hưởng về thủ tục, chế độ, chính sách liên quan. 

  • Trong lĩnh vực tinh thần: Hằng năm, nhiều chùa tổ chức các khóa tu mùa hè cho các em học sinh, hàng tháng có các khóa tu cho các bạn sinh viên giảng giải các giáo lý tốt đẹp của nhà Phật. Cùng với đó là các hoạt động cầu siêu đến Anh hùng liệt sĩ…

  • Trong lĩnh vực y tế: GHPGVN đã có những hoạt động thiết thực như xây dựng các cơ sở khám chữa bệnh và các trung tâm tư vấn chăm sóc sức khỏe; mở các lớp đào tạo cán bộ y tế; huy động nguồn lực to lớn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo; tổ chức nhiều hoạt động thăm, khám, chữa bệnh từ thiện….

  • Trong lĩnh vực giáo dục: GHPGVN đã có những hoạt động thiết thực như mở các khóa tu giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên; mở các lớp học tình thương; mở các lớp đào tạo nghề; xây dựng những mô hình giáo dục gia đình đạt được nhiều kết quả tốt..

5.3 Củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng và bảo vệ tổ quốc

Trong công tác củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, GHPGVN đã có những đóng góp thiết thực, có thể kể đến như:

đứng đầu giáo hội phật giáo việt nam

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng bảo vệ an ninh Tổ quốc

  • Vận động người có uy tín, chức sắc đoàn kết toàn dân tộc, nhằm đoàn kết chức sắc, tín đồ tham gia xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, thực hiện an sinh xã hội, công bằng xã hội.
  • Bảo vệ, giữ gìn, lan tỏa giá trị văn hóa, di sản Phật giáo, góp phần hun đúc tâm hồn người Việt. Với tinh thần nhân ái, từ bi hỷ xả, tinh thần “Lục hòa” góp một phần tạo thành động lực phát triển xã hội.

5.4 Tích cực xây dựng và giữ gìn giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống

Sứ mạng của Phật giáo là tạo ra “nguồn lực” văn hóa Phật giáo góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện trong các nội dung:

  • Văn hóa Phật giáo có những đóng góp quan trọng, tạo dấu ấn lớn trong kho tàng văn hóa dân tộc về mỹ thuật, kiến trúc.
  • Trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật, Phật giáo đã góp phần lưu giữ những giá trị văn học, văn hóa của dân tộc, thông qua hệ thống lưu trữ riêng tại các chùa.

quyền pháp chủ giáo hội phật giáo việt nam

Phật giáo tích cực giữ gìn những giá trị đạo đức của dân tộc 

Góp phần vào sự nghiệp giáo dục đạo đức, đào tạo con người, nhất là thế hệ trẻ, tạo nguồn lực cho “hộ quốc, an dân”, thể hiện qua các nội dung:

  • Đạo đức, lối sống Phật giáo góp phần xây dựng “tâm trong” cho con người, nhất là thế hệ trẻ.
  • Đạo đức Phật giáo góp phần xây dựng “trí sáng” cho thế hệ trẻ.
  • Đạo đức Phật giáo góp phần rèn luyện năng lực quản lý cảm xúc, kiểm soát hành vi trước tác động của ngoại cảnh, góp phần điều chỉnh các mối quan hệ xã hội tốt đẹp của thế hệ trẻ.

Phật giáo đề cao những giá trị con người, khoan dung, hướng thiện, xây dựng xã hội an bình. Giáo lý nhà Phật luôn khuyên con người đến những giá trị nhân văn, khuyên răn quần chúng tích cực làm việc thiện, giúp đỡ những đối tượng yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Giáo hội cùng đông đảo Chư Tăng Ni đã có nhiều hoạt động trợ giúp kịp thời tới cộng đồng thiết thực, hiệu quả giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn và những người yếu thế trong xã hội.

Đồng thời, Phật giáo cũng thực hiện vai trò duy trì, phát huy những truyền thống dân tộc, hòa hợp với cộng đồng. Với phương châm hoạt động: Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội, GHPGVN đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Quỹ vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... 

5.5 Tham gia phong trào thi đua yêu nước

Trong việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, GHPGVN đã đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh xung quanh các khuôn viên cơ sở thờ tự. 

Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cũng được Ban Trị sự GHPGVN và Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành đẩy mạnh và tuyên truyền. 

các pháp chủ giáo hội phật giáo việt nam

Phật giáo tham gia cùng chính quyền trong công tác thi đua yêu nước 

Tiếp nối truyền thống hộ quốc an dân, Phật giáo ngày càng góp phần giải quyết nhiều vấn nạn xã hội mà Việt Nam đang phải đối mặt như sự xuống cấp về đạo đức và lối sống tha hóa của một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội; sự lạm dụng thái quá vật chất để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, sự lãng phí, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại… 

Bằng triết lý nhập thế tích cực, Phật giáo đã và đang chú trọng xây dựng con người thông qua những nguyên tắc đạo đức căn bản như từ bi, bác ái, cứu khổ, cứu nạn, không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói tục, chửi bậy không nói dối,.... góp phần xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa đầy lòng vị tha, bác ái, mang tính nhân văn cao cả. 

5.6 Tăng cường đoàn kết quốc tế

Trong hoạt động tăng cường hợp tác Quốc tế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc:

văn phòng 2 giáo hội phật giáo việt nam

Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp phần quan trọng trong hợp tác quốc tế 

  • Đón tiếp phái đoàn Phật giáo các nước.
  • Tham dự và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.
  • Nâng cao quan hệ với Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại.
  • Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo cho đội ngũ Tăng, Ni đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
  • Giữ gìn bản sắc dân tộc, hòa nhập nhưng không hòa tan.
  • Học tập kinh nghiệm từ bạn bè quốc tế, đặc biệt là ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
  • Tham gia nhiều chương trình an sinh xã hội quốc tế. 
  • Xây dựng cơ sở thờ tự tu viện trong và ngoài nước, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, ngoại giao. 

5.7 Đảm bảo tính bền vững môi trường

Để đảm bảo tính bền vững của môi trường, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực trong những vấn đề phổ biến sau:

  • Tích cực trồng cây xanh, bảo vệ cảnh quan môi trường: GHPGVN kêu gọi  người người trồng cây, nhà nhà trồng cây, thế giới trồng cây để giảm thiểu thiên tai, lũ lụt,... 

chủ tịch giáo hội phật giáo việt nam

Hoạt động thả cá, phóng sinh của các Chư Tăng Ni, Phật tử 

  • Giáo hội kêu gọi Phật tử tích cực thực hiện hoạt động thả cá, phóng sinh: Hoạt động thả cá phóng sinh nằm trong chương trình hợp tác giữa Tổng cục Thủy sản  và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Mục đích của chương trình góp phần phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các Tăng, Ni, Phật tử về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

  • Phong trào giảm tải túi nilon, bảo vệ môi trường sống: Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đề ra chủ trương, chính sách hoạt động, công tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Giáo hội chỉ đạo các Ban, Phân ban, các Tăng, Ni, Phật tử thực hiện hiệu quả hoạt động bảo vệ môi trường góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Giáo hội đã chủ động trong phát động trồng cây xanh, thả phóng sinh, giảm tải sử dụng túi nilon, kêu gọi nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, hạn chế việc xả thải, vứt rác bừa bãi, tạo nguồn lực kinh tế cho người dân. 

5.8 Truyền hình An Viên trực thuộc Giáo hội - những đóng góp của THAV trong dòng chảy Phật giáo

Truyền hình An Viên là kênh truyền thông cập nhật tin tức, sự kiện chính thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hoạt động với phương châm “Hãy đến và nhận: Sức mạnh - Sống lâu - Trí tuệ”, Truyền hình An Viên ngày càng hoàn thiện và phát triển, góp phần duy trì mối liên hệ bền chặt giữa Phật pháp, dân tộc và người dân. 

quyền pháp chủ giáo hội phật giáo việt nam

Truyền hình An Viên - Hãy đến và nhận: Sức mạnh, Sống lâu, Trí tuệ!

Với những chương trình, bản tin được cập nhật hàng ngày, Truyền hình An Viên mong muốn truyền tải đến Phật tử trên khắp cả nước cơ hội giao lưu, học hỏi để phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp, hướng đến Chân - Thiện - Mỹ theo đúng giáo lý nhà Phật. Có thể nói, Truyền hình An Viên ra đời góp phần làm phong phú hơn đời sống tâm linh cho cộng đồng Phật tử trên khắp cả nước, giúp tạo dựng uy tín và giá trị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong suốt quá trình 41 năm thành lập và phát triển, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã hòa nhập vào đời sống của nhân dân, tạo nên một gắn kết đoàn kết cực vững chắc. Nhìn lại quá khứ để hướng tới tương lai, Truyền hình An Viên chúc Đại hội Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX diễn ra thành công tốt đẹp.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Hòa thượng, Tiến sĩ Thích Thanh Điện; 40 năm chặng đường lịch sử của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2021); 2021.