Đạo nghiệp và tư tưởng của Tổ sư Minh Đăng Quang

video

Tổ sư Minh Đăng Quang là bậc Thầy khai sáng nên một hệ phái Phật giáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt, đánh dấu bước ngoặt lịch sử về sự xuất hiện của ngài. Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh (1923 - 2023), xin ghi nhận thành quả mà ngài đã để lại, là một hệ phái Khất sĩ ngày càng vững mạnh và phát triển, cùng những đóng góp của ngài đối với Phật giáo nước nhà trong một giai đoạn lịch sử và những đóng góp to lớn của các thế hệ kế thừa cho Đạo pháp và Dân tộc. Và Bản tin An Viên 24h ngày hôm nay, xin dành toàn bộ thời lượng chuyên mục tiêu điểm để nhắc nhớ về đạo nghiệp và tư tưởng của Đức Tổ sư.

Tổ sư Minh Đăng Quang thế danh là Nguyễn Thành Đạt, sinh ngày 26 tháng 9 năm 1923 tại làng Phú Hậu, tổng Bình Phú, quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long (hiện nay là xã Hậu Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long). Khi còn nhỏ, cậu bé Nguyễn Thành Đạt được cha cho đi học chữ và học về tam giáo. Năm 15 tuổi, Nguyễn Thành Đạt xin phép cha đi tìm thầy để học đạo. Trên đường đi tìm thầy, ngài đã đến Campuchia (Nam Vang) và gặp một vị Sư người Khmer lai Việt. Ngài đã được học Phật pháp và đường lối y bát chân truyền của đức Phật (theo hệ phái Nam tông).

 

Mời quý vị theo dõi website bchannel.vn để đón đọc thêm nhiều thông tin Phật sự đặc sắc khác.

 

Năm 1944, chàng trai Nguyễn Thành Đạt xuất gia tu hành tại thị xã Vĩnh Long. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, nơi đây xảy ra sự cố, quân Pháp bắt bớ những người yêu nước kháng chiến, khiến người tu hành không được yên ổn. Nhà Sư trẻ quyết định ra đảo Phú Quốc tu hành, nhưng khi đến Hà Tiên, do không kịp chuyến tàu nên ngài ở tạm tại Mũi Nai để chờ ngày có chuyến tàu khác. Trong những ngày chờ đợi, nhà Sư trẻ thiền định và chứng ngộ về vô thường, vô ngã, khổ, vui của cuộc đời... và ngộ được lý pháp “thuyền Bát-nhã”. Sau đó, ngài về báo tin cho gia đình, rồi trở lại ẩn tu ở vùng Thất Sơn (tỉnh An Giang hiện nay) trong hai năm.

 

Năm 1946, ngài gặp một vị hiền sĩ - thỉnh ngài về làng Phú Mỹ, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho để tu tập và truyền bá Chánh pháp tại Linh Bửu tự, làng Phú Mỹ. Năm 1947, nhà Sư trẻ lấy pháp hiệu Minh Đăng Quang và bắt đầu công cuộc hành đạo, thu nhận đệ tử, xây dựng tịnh xá, thuyết pháp, phát triển Đạo Phật Khất Sĩ… Nhà Sư Minh Đăng Quang lãnh đạo đoàn Du Tăng Khất sĩ đi khắp các tỉnh thành ở Nam kỳ, vừa hoằng dương Phật pháp, vừa truyền bá pháp tu theo phương thức mới. Ngài chủ trương tích hợp có chọn lọc những giá trị trong tư tưởng của hai truyền thống Phật giáo Thượng Tọa bộ (Nam tông) và Đại Chúng bộ (Bắc tông), đồng thời tiếp biến và dung hòa những yếu tố phù hợp với văn hóa của Việt Nam, từ đó hình thành nền Phật giáo dân tộc hiện đại với tên gọi “Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam”.

Ngày 01/02/1954, Tổ sư Minh Đăng Quang đi hoằng hóa từ Sa Đéc đến Cần Thơ. Sau ngày đó, không còn ai được gặp lại ngài. Sự kiện đó được các đệ tử sau này gọi là “Đức Tổ sư vắng bóng”. Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng khi ngài 32 tuổi, với 10 năm xuất gia tu hành và hoằng hóa. Tuy ngài hoằng dương Phật pháp và phát triển tông phái chỉ trong vòng 7 năm nhưng đã để lại cho Phật giáo và đất nước Việt Nam những điều không dễ lý giải.

Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng, nhưng những di sản Ngài để lại là kho tàng quý báu với hàng hậu học và Phật tử khắp nơi. Đặc biệt phải kể đến việc biên soạn bộ Chơn lý gồm 69 bài pháp luận giải, dễ hiểu, được viết bằng Quốc ngữ. Bộ Chơn lý là sự tóm tắt tinh hoa tư tưởng từ hai truyền thống Phật học Nam tông và Bắc tông bằng chữ Việt, tạo ra hướng đi mới, vừa giữ truyền thống, vừa phù hợp với sự phát triển của xã hội. Tư tưởng xuyên suốt là đề cao vai trò của người xuất gia tu hành giải thoát đó là hạnh Khất sĩ thanh bần, được chia làm 5 phần: Nhân sinh quan, Vũ trụ quan, Giáo lý của đạo Phật, Khuyến tu và phương pháp học, Đạo Phật Khất sĩ.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến công lao to lớn của Tổ sư thu nhận đệ tử, phát triển Tăng đoàn Khất sĩ. Năm 1947, Tổ sư thu nhận các đệ tử xuất gia đầu tiên gồm bốn đệ tử nam, sáu đệ tử nữ và một chú tiểu khoảng 10 tuổi. Lúc bấy giờ, các vị đệ tử theo phái Khất sĩ gọi Ngài là Sư trưởng. Đến năm 1954, Sư trưởng đã thu nhận hơn 100 Tăng, Ni và cảm hóa hàng vạn cư sĩ. Sau khi ngài vắng bóng, hội chúng tiếp tục hành đạo theo đường lối đã ấn định. Trong những năm tiếp theo, các Giáo đoàn hình thành; tuy nhiên, thời bấy giờ, các đơn vị này gọi là “đoàn” và gắn liền với pháp hiệu Trưởng đoàn, chưa gọi là “Giáo đoàn” và quy định thứ tự theo số như ngày nay.

Cuộc đời của đức Tổ sư là một tấm gương sáng chói, quý báu mà ai có duyên cảm nhận cũng phải hướng đến ngài với tất cả lòng tôn kính. Tổ dạy người Khất sĩ phải thanh thoát như hoa sen vươn mình cao hơn mặt nước. Trong Chơn lý “Trên mặt nước”, Ngài dạy rằng: “Lời nói của người tu ví như hoa sen, việc làm của người tu ví như lá sen, ý niệm của người tu ví như gương sen, cả thảy các pháp đều ở trên cao, không trung và không còn phải ô nhiễm nước bùn theo thế sự.” Ngài thật sự là một đóa sen thiêng thơm ngát giữa cõi ta-bà. Ngày nay, Phật giáo Việt Nam đã thống nhất trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà trong đó hệ phái Khất sĩ là một trong những thành viên sáng lập. Có được vị thế đáng tự hào đó, chính là nhờ công ơn một đời hành đạo của đức Tổ sư.