Bản tin An Viên 24h ngày 07.02.2022

CHỦ TỊCH NƯỚC PHÁT ĐỘNG TẾT TRỒNG CÂY

Thưa quý vị, hôm qua mùng 6 tháng Giêng, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" xuân Nhâm Dần năm 2022. TT.Thích Minh Nghiêm, UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ đã dự và trồng cây cùng Chủ tịch nước.

Trong những năm qua, các tầng lớp nhân dân đã hăng hái tham gia phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng, đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2021, năm đầu thực hiện Chương trình trồng một tỷ cây xanh, cả nước đã trồng 277.000ha rừng trồng tập trung và 100 triệu cây phân tán, tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42%.

Sau hồi trống phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Nhâm Dần 2022”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại lời căn dặn của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc “giữ nước” theo lời dạy của Bác còn có ý nghĩa sâu xa là phải giữ gìn và bảo vệ môi trường trong lành, bảo vệ thiên nhiên tươi đẹp của đất nước.

Ngay sau lễ phát động, Chủ tịch nước cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Chư tôn đức tiến hành trồng cây tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Vâng, thưa quý vị, Chư Tăng Ni, Phật tử cả nước luôn hăng hái, tích cực hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh và trở thành lực lượng đi đầu trong việc trồng cây, bảo vệ môi trường. Những hình ảnh đáng chú ý về phong trào này sẽ được gửi đến quý vị trong chuyên mục tiêu điểm của Bản tin ngay sau đây.

 

FOCUS: TRỒNG CÂY VÌ MỘT VIỆT NAM XANH

Không chỉ hưởng ứng phong trào trồng 1 tỷ cây xanh, Phật giáo cả nước trong lịch sử đồng hành cùng dân tộc đã luôn thực hiện tốt các chương trình trồng cây xanh, thả cá tái tạo nguồn lợi thuỷ sản và tích cực đi đầu trong nhiều phong trào bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu. Mỗi năm lại có thêm nhiều tự viện được phủ xanh, các khu di tích xanh mới ra đời, những cuộc vận động xanh liên tiếp được mở ra… Đặc biệt mỗi độ xuân về, cùng với việc đón Tết cổ truyền, chư Tăng ni, Phật tử lại cùng cả nước hào hứng đón chờ một cái Tết vô cùng đặc biệt nữa, đó là Tết trồng cây.

Dưới tiết trời mưa xuân của những ngày đầu năm mới, Thượng tọa Thích Minh Nghiêm, UVTT HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ không giấu được niềm vui và tự hào khi những cây xanh tại khu vực hồ Cây Xẻn, thuộc Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ đã bắt đầu đâm chồi nảy lộc, tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Nơi non thiêng Nghĩa Lĩnh, những cây xanh mang dấu ấn của Phật giáo đã góp phần tô điểm cho khu di tích thêm xanh, sạch, đẹp, tạo nên nét hài hòa miền đất Tổ.

Thời gian qua, BTS GHPGVN tỉnh Phú Thọ là một trong những địa phương đi đầu trong các công tác trồng cây, bảo vệ môi trường. Thể hiện tấm lòng biết ơn đối với thiên nhiên, chư tôn đức đã triển khai nhiều giải pháp để tăng diện tích cây xanh, trồng cây rừng chống xói mòn. Đặc biệt, thường xuyên vận động, kêu gọi Phật tử, nhân dân nâng cao ý thức, giữ gìn bảo vệ môi trường trước biến đổi khí hậu. Đây chính là nét đẹp văn hóa của Phật giáo, tích cực trong bảo vệ môi trường.

Hàng ngàn cây xanh được chư Tăng ni, Phật tử trồng phủ tại các tự viện, các loại cây giúp chống xói mòn rừng được trồng mới. Diện mạo của tỉnh Phú Thọ ngày càng xanh, sạch, đẹp hơn. Môi trường trong lành được kỳ vọng mang lại niềm vui về mặt tinh thần, tạo thêm động lực cho nhân dân trong quá trình duy trì và xây dựng phát triển kinh tế địa phương.

Những gì mà Phật giáo tỉnh Phú Thọ đã làm là 1 phần của những đóng góp từ chư Tăng Ni, Phật tử cả nước trong việc hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh theo Đề án 524 năm 2021. Theo đó, trong suốt 1 năm qua, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch covid 19 nhưng các tự viện trên cả nước đã trồng hàng chục nghìn giống cây các loại. Đặc biệt, chương trình Chùa xanh - sáng kiến của Tạp chí Tài Nguyên và Môi trường có gần 20 ngôi chùa tham gia với hơn 15 nghìn cây xanh được gieo trồng chỉ trong năm 2021.

Không chỉ hưởng ứng chương trình Trồng 1 tỷ cây xanh do Chính phủ phát động mà trong nhiều năm qua, GHPGVN các cấp đã luôn quan tâm đến các hoạt động Bảo vệ môi trường, đặc biệt là công tác trồng rừng và phục hồi rừng. Theo đó, dưới sự chủ trì của Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và Bộ Tài Nguyên Môi Trường, ngay sau khi Chư tôn giáo phẩm HĐTS GHPGVN cùng 40 tổ chức tôn giáo ký vào bản cam kết Chung tay Bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào ngày 2/12/2015 tại TP.Huế, nhiều mô hình xanh đã được Chư Tăng, Ni, Phật tử thực hiện ở mọi miền Tổ quốc. Hãy điểm qua các số liệu sau đây: 

- Năm 2019, chương trình “Chung tay trồng rừng Việt Nam” do GHPGVN phối hợp với Trung tâm Phát triển Thế giới thêm xanh, đã trồng và trao tặng gần 2 triệu cây giống lâm nghiệp cho hộ nghèo vùng bị cháy rừng ở các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên…

- Đặc biệt, trong nhiều năm qua, nhiều tự viện đã tiếp nhận và ký kết giao ước tự trồng rừng, phủ xanh đồi trọc hoang vu với diện tích phủ khoảng hơn 1 nghìn ha tại các tỉnh Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai…

- Tại tỉnh Khánh Hòa, chư tôn đức và Phật tử chùa Hải Giác đã trồng hơn 5.000 cây đước để phục hồi, phát triển rừng ngập mặn, bảo vệ vùng đất ven biển ở thôn Hải Triều, xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh…

- Vào đầu năm 2021, BTS GHPGVN tỉnh Điện Biên đã phối hợp cùng chính quyền địa phương trồng 10 nghìn cây hoa ban, phát động lễ trồng cây hoa ban “Vì một Việt Nam xanh” với mong muốn tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho các khu di tích, đền, chùa trên địa bàn…

Gieo trồng hàng chục nghìn cây xanh đã khó, nhưng việc gìn giữ, chăm bón còn vất vả hơn gấp nhiều lần. Cũng bởi thế, Phật giáo tại các địa phương đã thực hiện nhiều mô hình sáng tạo, vận động sức người, sức của với hàng nghìn ngày công để giúp cộng đồng có được 1 môi trường xanh. Qua đó, góp phần để lời kêu gọi “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” của Trung ương Giáo hội đi vào cuộc sống.

Vì 1 Việt Nam xanh, đó là lời hiệu triệu của Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu. Và chư Tăng Ni, Phật tử đang đi đầu để thực hiện chương trình này. Sẽ còn những khó khăn, vất vả nhưng tin rằng, với tấm lòng và sự nỗ lực, Phật giáo cả nước sẽ tiếp tục có những đóng góp lớn để mang thêm hàng triệu cây xanh cho cộng đồng. Tất cả đều vì mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

 

TP.HCM: PHÁP HỘI DƯỢC SƯ ĐẦU NĂM TẠI VIỆT NAM QUỐC TỰ

Hôm qua ngày mùng 6 Tết Nhâm Dần (6-2-2022), Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM đã cử hành lễ khai đàn Pháp hội Dược Sư - “Tiêu tai diên thọ, kỳ quốc thới dân an, nguyện phong điều vũ thuận” đầu Xuân Nhâm Dần, tại Việt Nam Quốc Tự - Trụ sở BTS.

Trong không khí trang nghiêm, Trưởng lão HT.Thích Trí Quảng, Đức Quyền Pháp chủ GHPGVN, Trưởng BTS cùng chư tôn giáo phẩm niêm hương bạch Phật, sái tịnh đàn tràng, chính thức khai đàn Pháp hội Dược Sư cầu nguyện quốc thái dân an đầu năm Nhâm Dần.

Toàn thể chư Tăng Ni, Phật tử đã đảnh lễ 12 đại nguyện của Đức Phật Dược Sư, đồng trì tụng kinh Dược Sư, cầu nguyện đạo pháp xương minh, đất nước thanh bình, nhân dân an cư lạc nghiệp.

Các khóa lễ trì tụng kinh Dược Sư được duy trì vào lúc 17 giờ 45 phút mỗi ngày cho đến hết rằm tháng Giêng - Nhâm Dần, tại chánh điện Việt Nam Quốc Tự. Đây là lần thứ 9 liên tiếp Pháp hội Dược Sư - “Tiêu tai diên thọ, kỳ quốc thới dân an, nguyện phong điều vũ thuận”, được BTS GHPGVN TP.HCM tổ chức nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, là dịp để người dân đến chùa cầu nguyện an lành cho người thân và gia đình trong dịp đầu năm mới.

 

NHIỀU HOẠT ĐỘNG MỪNG NĂM MỚI HƯỚNG ĐẾN PHẬT TỬ XA XỨ

Thưa quý vị, nhân dịp đầu xuân năm mới, vừa qua Phân ban Phật tử Hải ngoại thuộc Ban HDPT Trung ương đã “Khai xuân chúc tết và Cầu an đầu năm” dành cho Phật tử Việt Nam trong nước và nước ngoài, tạo nhịp cầu nối kết những người con xa xứ hướng về ngày Tết truyền thống của dân tộc.

Chương trình diễn ra trên nền tảng zoom, với sự tham gia của đông đảo chư tăng và Phật tử VN tại nhiều nước trên thế giới. Tại đây, quý Phật tử cùng tụng Kinh Phước Đức, hướng tâm nguyện cầu dịch bệnh tiêu trừ, thế giới hoà bình, mọi người luôn an lạc.

Đây chính là dịp để bảo lưu văn hoá truyền thống Việt Nam đến bà con xa xứ, tạo không gian tâm linh online ấm áp, nhắc nhở mọi người nỗ lực tu tập và giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc dù bất kỳ nơi đâu.

 

CỤM TIN:

Thưa quý vị, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên nhiều lễ hội đầu năm đã không thể diễn ra nhằm đảm bảo an toàn cho cộng đồng và xã hội. Ghi nhận tại chùa Bái Đính tỉnh Ninh Bình và chùa Hương tại Hà Nội.

DỪNG NHIỀU LỄ HỘI XUÂN ĐẢM BẢO AN TOÀN PHÒNG DỊCH

NINH BÌNH

Sáng 6/2 (tức mùng 6 Tết), tại Chùa Bái Đính - tỉnh Ninh Bình, chư tôn đức đã cử hành khóa lễ cầu nguyện và tri ân công đức của các bậc tiền nhân, cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dịch bệnh tiêu tan, mọi người, mọi nhà được mạnh khỏe, hạnh phúc. Do dịch Covid-19 nên năm nay, chùa Bái Đính không tổ chức phần hội của lễ hội mùa xuân nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và cộng đồng.

Hằng năm, Lễ hội chùa Bái Đính khởi đầu cho những chuyến hành hương về vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử. Đây cũng là dịp để du khách chiêm bái, cảm nhận chiều sâu lịch sử và văn hóa tỉnh Ninh Bình.

HÀ NỘI

Còn tại Chùa Hương, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, UBND huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội đã quyết định tạm dừng tổ chức Lễ hội, không đón khách tham quan tại di tích, thắng cảnh chùa Hương năm 2022. Theo kế hoạch trước đó, lễ hội chùa Hương năm 2022 dự kiến diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 2/2 đến hết ngày 30/5 (nhằm mùng 2/1 đến hết ngày 30/3 Âm lịch); lễ Khai hội diễn ra vào mùng 6 tháng Giêng. Lễ hội hằng năm giúp thúc đẩy kinh tế - xã hội, giáo dục du khách về ý thức trách nhiệm trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị của di sản văn hóa.

 

TINH HOA TỪ VẬT PHẨM LÀM NÊN HƯƠNG VỊ TẾT

Thưa quý vị, Tết đến Xuân về, trên mỗi mâm cơm sum vầy của người Việt đều có món nem cuốn truyền thống đầy màu sắc, hấp dẫn. Và để có được món ăn truyền thống đó không thể thiếu vật liệu “Bánh đa nem”. Thế nhưng ít ai biết rằng, để tạo ra được vật phẩm từ gạo thơm ngon này, phải trải qua hàng chục công đoạn, người làm nghề không chỉ khéo léo mà phải dành hết tâm huyết.

Đến với làng Chều, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam dễ dàng cảm nhận không khí rộn ràng của những ngày xuân. Cả làng phảng phất mùi thơm của bột, bếp nhà ai cũng đỏ lửa, khói ngun ngút…Những mẻ bánh đa nem được phủ kín khắp xóm làng. Bánh đa nem làng Chều không những nổi tiếng về chất lượng, mà còn có lịch sử hình thành hơn 700 năm tuổi.

Người làng Chều làm bánh đa nem theo bí quyết riêng biệt. Mỗi công đoạn đều khá công phu, cầu kỳ, kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu để bánh ngon, đảm bảo. Sau đó là ngâm gạo, cho vào cối xay, làm chín qua nồi áp suất, đem phơi trên những chiếc phên tre và hoàn thiện sản phẩm. Những chiếc bánh đa nem dưới bàn tay của người “nghệ nhân” được làm ra với màu bánh trắng, mềm và có độ dẻo cao, thơm mùi gạo.

Bánh đa nem làng Chều tuy mộc mạc, giản dị nhưng lại chứa đựng bao tình cảm, tâm sức của bà con và trở thành thứ quà quê đáng quý. Và đặc biệt hơn khi tình cảm của người làm nghề được đặt trên mâm cỗ Tết, gắn kết gia đình, mang ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn.

 

TẾT CỦA NGƯỜI LÍNH BIÊN CƯƠNG MANG NHIỆM VỤ KÉP

Thưa quý vị, thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ của trạm, chốt Covid tại các khu vực có– đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới phải làm nhiệm vụ tuần tra khép kín 24/24 giờ; vừa bảo vệ, giữ vững “phên dậu” quốc gia, vừa ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép. Khi mọi người, mọi nhà đoàn viên bên mâm cơm gia đình thì vẫn có hàng vạn chiến sỹ biên phòng không đón tết cùng người thân mà “cắm chốt” với tinh thần vui xuân nhưng không quên nhiệm vụ.

23h, tại Chốt 4 đồn biên phòng Nậm Cắn, Bộ đội biên phòng Nghệ An

Những chiến sĩ biên phòng vẫn lầm lũi dọc đường tuần tra biên giới mặc sương rừng, gió núi. Với họ, Tết chỉ có những cái “nắm tay” ấm tình đồng đội, và đôi chân vẫn mải miết băng rừng, vượt núi.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, anh Thiếu tá Nguyễn Cảnh Thảo đón tết xa nhà. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi, anh gửi gắm nỗi nhớ, niềm thương về gia đình nhỏ

Là Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế, giáp nước bạn Lào nên ở đây, thực hiện "nhiệm vụ kép", vừa bảo vệ biên giới chủ quyền vừa chống dịch. Công tác nắm địa bàn, tuần tra được các chốt thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhờ vậy, hàng loạt vụ việc xâm nhập biên giới được phát hiện kịp thời, nguy cơ lây lan dịch qua đường biên cũng được ngăn chặn tối đa.

Nơi biên viễn, những người lính biên phòng vẫn ngày đêm vững niềm tin, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc, không lơ là nhiệm vụ chống dịch. Tết của những người lính diễn ra với bữa cơm vội. Tuy đơn sơ nhưng bên họ có đồng đội; là đường biên mốc giới, là chủ quyền biên giới thiêng liêng. Trên tất cả là tinh thần người lính luôn sẵn sàng nhiệm vụ và không sờn bước trước chông gai.

 

ĐẦU XUÂN VÃN CẢNH NHỮNG NGÔI CHÙA TRĂM TUỔI

Thưa quý vị! Đầu xuân đi lễ, vãn cảnh chùa đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Đặc biệt, được ghé thăm, tìm hiểu kiến trúc độc đáo và sự ra đời của những ngôi chùa hàng trăm năm tuổi, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của một vùng đất, một địa phương, càng đem lại nhiều điều thú vị. Sau đây, Bản tin An Viên 24h mời quý vị ghé thăm một số ngôi cổ tự gắn liền với sự phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM nhiều thế kỷ qua.

Ngôi chùa tọa lạc trên đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình này thuộc loại cổ nhất tại TP.HCM. Chùa được xây dựng vào năm 1744, tên gọi chính thức là chùa Giác Lâm và còn có tên khác là Cẩm Sơn hay Cẩm Đệm, là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam.

Ngôi chùa mang không khí thanh tịnh, làm lòng người cảm thấy nhẹ nhàng, yên bình. Ngoài kiến trúc ấn tượng, xây theo phong cách Nam Bộ, nghệ thuật chạm khắc tinh tế, chùa Giác Lâm còn nổi bật với bộ 113 pho tượng cổ, hầu hết là bằng gỗ.

Có tuổi đời gần 120 năm, chùa Ngọc Hoàng tọa lạc trên đường Mai Thị Lựu, quận 1, nổi tiếng tại TP.HCM là cổ tự linh thiêng. Bên cạnh yếu tố tâm linh, ngôi chùa này còn sở hữu vẻ đẹp kiến trúc Trung Hoa mỹ lệ, cổ kính.

Ban đầu, đây là ngôi điện thờ Ngọc Hoàng của cộng đồng lưu dân Trung Hoa đến lập nghiệp ở vùng đất Sài Gòn - Gia Định, đến thập niên 80 của thế ký 20 mới trở thành chùa, mang tên Phước Hải tự. Ngôi cổ tự này càng nổi tiếng khi là nơi Tổng thống Mỹ Obama từng ghé thăm.

Có hàng chục ngôi chùa tuổi đời trên trăm năm, nhiều ngôi tới gần 300 năm, vẫn còn hiện diện tại TP.HCM. Không chỉ là công trình tôn giáo, các ngôi chùa còn là chứng nhân cho quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Sài Gòn - Gia Định nhiều thế kỷ qua. Đó còn là những di tích kiến trúc độc đáo, di sản nhiều giá trị của văn hóa Nam Bộ nói riêng và văn hóa truyền thống Việt Nam.

Năm mới, du xuân vãn cảnh cổ tự để tập sống chậm và yêu thương nhiều hơn, du khách còn đọng lại những ấn tượng khó phai về các điểm tham quan thú vị, độc đáo về lịch sử, văn hóa, về vùng đất và con người Sài Gòn - TP.HCM.

 

“ÁNH SÁNG” LỜI NHẮC NHỞ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Thưa quý vị, hôm nay là ngày đầu tiên chúng ta trở lại sau một kỳ nghỉ Tết sum vầy, rộn ràng. Nhưng đằng sau sự tươi vui đó, thì đây cũng là thời điểm rác sinh hoạt thải ra nhiều nhất, gây áp lực lên đội ngũ vệ sinh môi trường. Và để kêu gọi mọi người chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế và phân loại rác thải, nhiều nghệ sĩ đã thực hiện tái chế rác thành những tác phẩm nghệ thuật.

Tết, thời gian cao điểm đối với công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chỉ tính riêng lượng rác chuyển về 2 khu xử lý Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì) đã tăng 30%-40% so với ngày thường.

Làm trong các dự án xử lý rác thải, chứng kiến khối lượng rác không ngừng tăng lên, anh Phạm Minh Đức luôn trăn trở và mày mò tìm cách tái chế, bảo vệ môi trường.

Mục tiêu đó đã đưa anh Đức gặp gỡ nhiều nghệ sĩ và nhà thiết kế vật liệu tái chế khác. Đó cũng chính là khởi đầu cho sự ra đời các sản phẩm decor trang trí từ rác, không chỉ giàu nghệ thuật, ứng dụng cao mà còn chứa đựng những câu chuyện nhân văn.

Nghệ thuật vốn không có ranh giới cho sự sáng tạo. Và lần này, túi nilon, ống hút, mảnh thuỷ tinh vỡ, vỏ chai, khúc gỗ … những rác thải bị vứt bỏ, qua đôi bàn tay tài hoa và óc sáng tạo của bốn nghệ sĩ, đã trở thành 32 tác phẩm hữu dụng trong triển lãm “Ánh Sáng". Qua đó, các nghệ sĩ không chỉ chuyển tải hình ảnh mà còn lan tỏa thông điệp về môi trường một cách gần gũi nhất, góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn thiên nhiên xanh, sạch.

 

XUÂN VỀ TRÊN NON THIÊNG YÊN TỬ

Sau khi hạ xuống cấp độ 2, khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử đã mở cửa trở lại để phục vụ du khách du Xuân. Và trong những ngày đầu năm mới này, không khí đã vui tươi trở lại trên miền đất Phật.

Khác với cảnh đìu hiu của Tết năm ngoái, từ trưa mùng 1 Tết năm nay đã có đông du khách quanh vùng đến lễ chùa, vãn cảnh Yên Tử. Từ vườn tháp Huệ Quang, đến chùa Đồng, dù hàng ngàn bậc cheo leo, nhưng từng bước chân hành hương của những người con Phật vẫn ngập tràn hoan hỉ

Với những di tích lịch sử gắn với cuộc đời tu tập của Phật hoàng Trần Nhân Tông, Yên Tử giữ vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhu cầu hành hương về đây của du khách rất lớn. Nhưng để đảm bảo an toàn, Ban quản lý di tích và BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, kiểm soát lượng khách, duy trì khoảng cách an toàn, 5k của bộ Y tế.