Tam Thánh Phật có những ai? Ý nghĩa và cách thờ cúng Tam Thánh Phật

05/04/2023

Mời Quý vị và các bạn đón xem thêm nhiều thông tin khác của Truyền hình Bchannel - BTV9 An Viên qua website bchannel.

Trong văn hóa của người Phương Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, việc tôn thờ các vị Phật không chỉ có ý nghĩa cầu an, cầu mong may mắn mà đó còn là cách để gia tăng niềm tin kính Phật, thúc đẩy việc học tập, ghi nhớ và huân tập theo lời Phật chỉ dạy. Hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu Tam Thánh Phật có những ai, ý nghĩa và cách thờ cúng Tam Thánh Phật trang nghiêm, đúng lễ nghi, phép tắc. 

1. Tam Thánh Phật có những ai?

Tam Thánh Phật có những ai? Trong kinh điển Phật giáo đã nói đến và có những mô tả cực kỳ chi tiết về các vị Phật này. Tam Thánh Phật có 2 nghĩa chủ yếu, đó là:

Thích Ca Tam Thánh hay còn được biết đến là Hoa Nghiêm Tam Thánh vì ý nghĩa của bộ 3 tượng Phật này chủ yếu được đề cập và phân tích trong Kinh Hoa Nghiêm. Thích Ca Tam Thánh có Đức Phật Thích Ca ở chính giữa, Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử xanh ở bên phải và Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trắng sáu ngà ở bên trái của Đức Phật (Vị trí của 2 vị Phật này có thể thay đổi ngược cho nhau). 

tam thánh phật

Tam Thánh Thích Ca (Tam Thánh Hoa Nghiêm) trong Phật giáo

Tây phương Tam Thánh còn gọi là Tam Thánh Di Đà gồm có Phật Di Đà ở giữa, tọa trên tòa sen lớn, ở hai bên là hai vị Bồ tát đứng trên hai tòa sen nhỏ hơn là Quán Thế Âm ở phía bên trái và Đại Thế Chí ở bên phải (tượng Tam Thánh Di Đà có khi được tạc ở tư thế cả 3 vị cùng ngồi). Theo kinh điển Phật giáo, Tam Thánh Phật Di Đà là biểu tượng của lòng từ bi và trí huệ nhằm tiếp độ chúng sinh về cõi Tây Phương Cực Lạc.

tam thánh phật gồm những ai

Tây Phương Tam Thánh (Tam Thánh Di Đà) 

2. Ý nghĩa Tam Thánh Phật 

Như trên đã đề cập, Tam Thánh Phật trong Phật giáo được hiểu theo 2 nghĩa chính là Tam Thánh Thích Ca và Di Đà Tam Thánh. 

2.1 Ý nghĩa Tam Thánh Phật Thích Ca

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni - người sáng lập Phật giáo, Ngài đã dành cả cuộc đời mình để hoằng pháp cứu sinh, mở ra con đường đưa chúng sinh tới sự giải thoát, giác ngộ. Giác hạnh của Ngài viên mãn, Ngài là giáo chủ cõi tà bà. Ngài đã nói “Ta là Phật đã thành. Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Đức Phật Thích Ca là biểu tượng sáng ngời về mọi mặt từ tính cách, trí tuệ, đức hạnh… để Phật tử noi theo trên con đường tu tập của mình. 

Phổ Hiền Bồ Tát được biết đến với Mười đại nguyện về đức hạnh và sự quyết tâm cứu độ mọi chúng sinh. Phổ có nghĩa là tỏa ra khắp nơi (rất rộng lớn), Hiền có nghĩa là hiền thiện, đức hạnh. Phổ Hiền biểu tượng, tượng trưng cho đức hạnh tối diệu mà những người con Phật đều mong muốn đạt được. Phổ Hiền Bồ Tát được tạc với nhiều tư thế khác nhau ví như ở hội cúng dường hai tay Ngài nắm hoa sen, đặt ở trước ngực, phía trên hoa sen có một thanh kiếm bén; Có khi Ngài được họa với thân màu bạch nhục, trên đầu có đội mũ ngũ Phật, tay trái của Ngài cầm bông hoa sen (phía trên hoa sen có kiếm bén), xung quanh thanh kiếm có lửa cháy trong khi đó tay phải Ngài duỗi ra, hai ngón vô danh và ngón tay út gập lại. Ngài được họa với thân hình cao lớn, bệ vệ với ý nghĩa trường thọ, khỏe mạnh. 

 

bộ tam thánh phật

Thích Ca Tam Thánh có đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở giữa cùng 2 vị Phổ Hiền Bồ Tát, Văn Thù Bồ Tát

Văn Thù Bồ Tát (Phạn danh là Manjusri, Văn Thù Sư Lợi) theo nghĩa Hán dịch có nghĩa là Diệu Đức, Diệu Cát Tường...Ngài được xem là vị trí tuệ bậc nhất trong hàng Bồ Tát, Ngài thường được chọn để thay Đức Phật nói pháp, điều động hội chúng. 

Văn Thù Bồ Tát thường được họa tượng ngồi trên đài sen, đầu có năm nhục kế, tay phải của Ngài cầm kiếm, kiếm đang bốc lửa đưa khỏi đầu, tay trái của Ngài cầm hoa sen xanh hoặc cầm kinh Phật. Về ý nghĩa, kiếm trí tuệ ẩn chứa ý nghĩa chặt đứt xiềng xích của sự vô minh, phiền não, đưa chúng sinh tới trí tuệ viên mãn. Văn Thù Bồ Tát biểu hiệu trí tuệ sáng suốt, tinh ròng, không ô nhiễm.

Nói tóm lại, Tam Thánh Phật Thích Ca là biểu trưng cho trí tuệ, lòng từ bi và đức hạnh, đưa con người tới sự giải thoát, chấm dứt vô minh, phiền não. 

tam thánh phật thích ca

Tam Thánh Phật biểu tượng cho trí tuệ, lòng từ bi, đưa chúng sinh tới giải thoát, giác ngộ

2.2 Ý nghĩa của Di Đà Tam Thánh

Tam Thánh Phật Di Đà (Tây Phương Tam Thánh) có Đức Phật A Di Đà đứng giữa trên một tòa sen lớn, có 2 vị bồ tát đứng ở hai bên trên hai tòa sen nhỏ hơn (cũng có khi Tam Thánh Phật Di Đà được tạc ở tư thế cả 3 vị cùng ngồi trên tòa sen) với ý nghĩa tiếp độ chúng sinh về cõi cực lạc, thoát khỏi ô nhiễm, phiền não, sinh tử luân hồi. 

Trong kinh điển Phật giáo, Phật A Di Đà là hiện thân của mọi sự an lành và tất cả những điều tốt đẹp. Người là một trong các vị Phật lớn, là giáo chủ của cõi Tây Phương Cực Lạc. Tượng Phật A Di Đà có ý nghĩa hướng con người đến với những điều thiện lành, phúc đức, hướng tới sự tốt đẹp, đi theo ánh hào quang của Đức Phật. 

Trong Tam Thánh Phật, Phật Di Đà thường được tạc với tư thế ngồi thiền hoặc đứng thẳng trên hoa sen, mắt nhìn xuống dưới, tay trái của Người bắt ấn cam lồ đưa lên ngang vai (biểu thị tứ thánh)i còn tay phải duỗi thẳng xuống (biểu thị lục phàm) với ý nghĩa cứu độ chúng sinh khỏi biển khổ, tránh xa tham sân si, mạn - nghi - ác kiến. Dưới ánh sáng vô lượng của Phật Di Đà, chúng sinh được tiếp độ đưa lên quả vị tứ thánh. 

tam thánh phật a di đà

Tam Thánh Phật, Phật Di Đà sẽ là nhân vật đứng ở giữa 

Bồ Tát Quan Thế Âm là đại diện cho đức hạnh kham nhẫn, lòng từ bi vô biên, Người luôn cứu khổ cứu nạn cho tất thảy chúng sanh một cách tự tại. Trong Tam Thánh Phật, Quan Thế Âm Bồ Tát được thể hiện với hình tượng tay trái cầm bình cam lồ (lòng từ bi vô hạn của Người), tay phải của Người cầm nhành dương liễu biểu trưng cho đức nhẫn nhục. Muốn lấy được nước trong bình cam lồ phải dùng cành dương liễu tương tự như chúng sanh, muốn lan tỏa lòng từ bi của mình phải luôn ghi nhớ đức nhẫn nhục. 

Bồ Tát Quan Thế Âm còn được gọi là Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát bởi ở đâu có tiếng than khổ là Người xuất hiện cứu độ, Người tu hạnh từ bi, luôn mang tới nguồn an vui cho tất cả chúng sanh.

Trong Tây Phương Tam Thánh Phật, Đại Thế Chí Bồ Tát là vị Phật đứng ở phía bên phải của Phật A Di Đà. Người được thể hiện ở hình tượng vị Phật luôn đeo chuỗi anh lạc, trên tay Ngài luôn có một cành hoa sen xanh. Ngài là biểu trưng cho đức tinh tấn và ánh sáng của trí tuệ, sự đoạn đức (hoa sen xanh biểu trưng cho sự thanh tịnh tuyệt đối).

Đại Thế Chí Bồ Tát vận dụng ánh sáng của trí tuệ giúp chúng sanh nhìn rõ những điều xấu xa, ô nhiễm của bản thân từ đó theo ánh sáng ấy có thể đoạn trừ tội lỗi, dứt khỏi ô nhiễm, bước chân lên con đường giác ngộ. 

tam thánh phật là ai

Tây Phương Tam Thánh - Tiếp độ chúng sinh về cõi cực lạc

3. Cách thờ cúng Tam Thánh Phật tại gia 

Thờ cúng Tam Thánh Phật tại các chùa, tự viện Phật giáo là nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người Việt với nhiều ý nghĩa sâu sắc. Những năm gần đây, nhiều gia đình Phật tử đã thỉnh Tam Thánh Phật về thờ tại gia với mong muốn được soi rọi bởi ánh sáng của Phật, có thể tránh tai ương, phiền muộn, gia đình được bình an, may mắn hơn. 

Dưới đây là những lời khuyên dành cho Quý vị về cách thờ Tam Thánh Phật tại gia:

  • Xin lời khuyên, chỉ dẫn của các sư thầy trong chùa để chọn tượng Tam Thánh Phật cho phù hợp với ban thờ của gia đình (kích thước của tượng Phật và ngày tháng thỉnh cùng những điều cần lưu ý khác). 
  • Khi chọn tượng nên chọn những bức tượng đẹp, các họa tiết được chạm trổ sắc nét, không bị sứt mẻ hay bị lỗi. 
  • Trước khi thỉnh Tam Thánh Phật về thờ tại gia, gia chủ nên nhờ các sư thầy làm lễ, tụ kinh và khai quang điểm nhãn tượng Phật cho bức tượng. 
  • Chọn ngày lành tháng tốt để an vị Tam Thánh Phật về thờ cúng tại gia
  • Bàn thờ Phật cần được đặt ở trên cao nơi trang nghiêm. hướng ra cửa chính của căn nhà, tránh đặt trên nóc tủ, gần nhà vệ sinh hoặc nhà tắm, nhà bếp. 
  • Các vật phẩm thờ cúng cần được chuẩn bị đầy đủ như: lọ hoa, mâm bồng, bát hương,…. 
  • Vào các ngày Rằm, mùng 1, ngày Phật nên sắm lễ thắp hương Phật là lễ thuần chay, không thắp hương cỗ mặn, vàng mã.
  • Thành tâm kính Phật là điều quan trọng nhất. Các lễ nghi có thể có điều còn thiếu sót có thể châm trước và sửa đổi nhưng tâm là điều quan trọng bậc nhất. 

cách thờ tam thánh phật

Nên cúng Phật hoa quả và những món chay tịnh

Những thông tin trên đây của chúng tôi đã giúp quý vị hiểu rõ hơn về Tam Thánh Phật, ý nghĩa của từng vị Phật trong Tam Thánh Phật và cách thờ cúng tại gia. Trong thế giới Phật pháp vô biên, chúng ta cần không ngừng tìm hiểu và bồi đắp thêm kiến thức cho mình vì thế đừng quên theo dõi website của chúng tôi để cập nhật thật nhiều thông tin hữu ích quý vị nhé.