Phật giáo là gì? Lịch sử hình thành và phát triển của đạo Phật

Không chỉ dừng lại ở việc làm rõ Phật giáo là gì, bài viết này sẽ giúp quý vị hiểu hơn về nguồn gốc, lịch sử hình thành, phát triển cũng như giáo lý cốt lõi của đạo Phật. Khám phá ngay các nội dung dưới đây để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ nhất về Phật giáo.
1/ Phật giáo là gì?
Thực tế cho thấy, có khá nhiều lời giải khác nhau cho câu hỏi Phật giáo là gì bởi Phật giáo được định nghĩa và giải thích ở nhiều góc nhìn khác nhau, trong đó phổ biến nhất là:
Phật giáo chính là giáo lý của Đức Phật (Phật Thích Ca Mâu Ni) giúp con người có thể thức tỉnh, giác ngộ để trở về với chân tâm sẵn có của chính mình (thông qua con đường đạo đức), làm cho thân tâm bình lặng thông qua con đường thiền tập và khai sáng tâm linh của mỗi người thông qua con đường Trí tuệ.
Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn nhất trên thế giới
Phật giáo là tôn giáo được đặt nền móng bởi Đức Phật, sinh ra vì phúc lợi, hạnh phúc của chúng sinh, cao cả hơn là vì sự tiến bộ của loài người. Theo đó, tất cả mọi người không phân biệt giàu nghèo, sướng khổ, nơi ở, hoàn cảnh đều có thể áp dụng những giáo lý và hướng dẫn của đạo Phật để thay đổi cuộc sống của mình.
Phật giáo là gì? Phật giáo được coi là một tôn giáo hoạt động theo chủ trương lẽ thật và sự thực hành của chính bản thân mỗi người để giải thoát khổ đau, giác ngộ sau đó bằng lòng từ bi của mình để hướng người khác đi theo con đường chính đạo.
Nhiều quan điểm lý luận cũng cho rằng, Phật giáo là một hệ thống triết học bao gồm các tư tưởng, giáo lý cụ thể, rõ ràng về thế giới quan, nhân sinh quan và các phương pháp thức tỉnh, tu tập, rèn luyện của mỗi người.
Trải qua hàng ngàn năm phát triển, cho đến nay Phật giáo hiện đang là một trong những tín ngưỡng tôn giáo được rất nhiều quốc gia công nhận, trong đó có Việt Nam. Phật giáo đã trở thành nét văn hóa tâm linh riêng biệt với nhiều màu sắc, giàu tính nhân văn.
2/ Nguồn gốc ra đời của Phật giáo
Theo ghi chép, Phật giáo có xuất xứ từ Ấn Độ vào khoảng thế kỷ thứ VI trước công nguyên. Người sáng lập là Phật Thích Ca Mâu Ni - Ngài được sinh ra trong thế giới loài người trong thân phận là Thái tử con vua Tịnh Phạn, có tên là Tất Đạt Đa (Shidartha), Ngài sinh năm 624 trước công nguyên.
Người sáng lập Phật giáo là đức Phật Thích Ca Mâu Ni
Có sẵn Phật tính trong người, Thái tử Tất Đạt Đa sớm nhận ra những sướng khổ, bất hạnh của con người. Mặc dù vua Tịnh Phạn đã ra sức bảo vệ và tránh để Thái tử Tất Đạt Đa không thấy cảnh đau khổ, bất hạnh. Năm 29 tuổi (có nhiều giả thuyết cho rằng ngày Phật xuất gia là khi Ngài 19 tuổi) Thái Tử đã quyết định từ bỏ cuộc sống giàu sang, phú quý, vợ con, cung điện để đi tìm con đường cứu khổ chúng sinh. Từ đó, sau khi trải qua nhiều năm khổ hạnh rừng già, đặt chân tới mọi vùng miền của đất nước Ấn Độ, Ngài đã đạt tới sự giác ngộ, trở thành Phật và bắt đầu 49 năm thuyết pháp độ đời không mệt mỏi. Phật Giáo ra đời từ đây và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.
3/ Lịch sử hình thành và phát triển của Phật giáo
Như trên đã đề cập, Phật giáo được ra đời vào khoảng những năm đầu của thế kỷ VI TCN (trước công nguyên), người sáng lập đạo Phật là đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Ngày 08 tháng 12 năm Đức Phật 31 tuổi, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cùng với 60 vị đệ tử đầu tiên của mình đã thành lập một giáo hội trong đó mỗi người sẽ đi một phương để thuyết pháp cứu độ chúng sinh. Đạo Phật giàu tính nhân văn nên thu hút được nhiều người theo học, nhanh chóng được truyền bá rộng rãi và có sự phát triển sâu rộng không chỉ ở Ấn Độ mà còn trở thành tôn giáo lớn trên thế giới.
Đức Phật đã có 49 năm thuyết pháp độ đời, để lại công đức vô lượng vô biên với nhân loại
Tuy nhiên, đến khoảng thế kỷ VII, Phật giáo có những biểu hiện của sự suy tàn trong bối cảnh nhiều hệ tư tưởng khác được ra đời, phát triển. Sau đó, Phật giáo hoàn toàn biến mất vào khoảng thế kỷ XIV tại chính quốc mẫu của tôn giáo này.
Cho đến những năm đầu của thế kỷ XX, đạo Phật quay trở lại với sự xuất hiện của nhiều nhà truyền đạo nổi tiếng, lúc này Phật giáo được đón nhận hơn bao giờ hết và trở thành một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn với số lượng Phật tử khoảng 535 triệu người vào năm 2010.
Tại Việt Nam, Phật giáo xuất hiện khá sớm và trải qua 4 giai đoạn phát triển như sau:
- Giai đoạn hình thành và phát triển rộng khắp từ đầu Công nguyên đến hết thời kỳ Bắc thuộc.
- Giai đoạn cực thịnh vào thời nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần (Phật giáo được xem là Quốc giáo).
- Giai đoạn suy thoái diễn ra từ đời Lê Sơ đến đời Tây Sơn.
- Giai đoạn phục hưng được tính từ đời nhà Nguyễn cho tới nay.
Lá cờ Phật giáo
Năm 1950 (PL.24930) “Hội Phật tử thế giới” - tổ chức Phật giáo quốc tế được thành lập ở Tích Lan với sự có mặt của đại diện của 27 nước Phật giáo trên thế giới bao gồm cả Châu Âu, Châu Á, thống nhất về giáo lý, cờ phật giáo và hoạt động của tổ chức.
4/ Các trường phái và giáo lý cốt yếu của Phật giáo
Từ bi và trí huệ được xem là 2 trụ cột trong giáo lý của Phật giáo. Theo đó, toàn bộ giáo lý của nhà Phật đều hướng con người đến việc sử dụng trí tuệ, sự hiểu biết của mình để nhận biết đúng đắn về thế giới xung quanh từ đó đạt tới cảnh giới an yên trong tâm hồn, sống từ bi hỷ xả vì chính mình và những người khác. Mỗi người đều như vậy sẽ tạo nên một xã hội văn minh, phát triển, không còn khổ đau, bất hạnh, ai ai cũng được hưởng an lạc, bình an.
Những lời dạy của Phật đã được ghi chép và bảo tồn trong “Tam Tạng Kinh” bao gồm Luật tạng (Vinaya-pitaka) là những giới luật dành riêng cho các tăng ni, và một số giới luật dành cho các Phật tử tại gia; Kinh Tạng (Suttanta-pitaka) là tập hợp các bài giảng pháp bao gồm các bài thuyết giảng của Đức Phật và bài giảng của những vị đại đệ tử của Phật; Diệu Kinh Tạng (Abhidhamma-pitaka) chính là phần triết lý cao học của nhà Phật.
Tứ Thánh Đế được xem là cơ sở tư tưởng và cốt lõi của triết lý Phật giáo. Tứ Thánh Đế là chân lý về sự khổ và con đường diệt khổ, cụ thể là:
- Khổ đế nói về chân lý về sự “khổ” của mỗi chúng sinh bao gồm sinh lão bệnh tử, khổ tâm. Phật giáo chủ trương thừa nhận các cái khổ, không trốn tránh, cần phải phân tích và nhận thức đúng về các sự khổ của con người.
Tứ Thánh Đế - Cơ sở tư tưởng và cốt lõi của triết lý Phật giáo
- Tập đế là chân lý về sự phát sinh của khổ. Cần phải hiểu rõ về bản chất của khổ đau và nguồn gốc sản sinh ra khổ đau mới có thể loại trừ được chúng.
- Diệt đế là chân lý về diệt khổ. Chấm dứt vô minh (ngu si), diệt trừ dục vọng mới có thể có được sự an vui giải thoát, thoát khỏi khổ đau.
- Đạo đế là chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ - đó chính bát chính đạo hay còn gọi là 8 nhánh xoay quanh 3 trụ cột Trí tuệ - Đạo Đức - Thiền định để diệt khổ.
Hai khái niệm căn bản nhất trong giáo lý nhà Phật là nhân quả và luân hồi. Theo đó, Phật giáo cho rằng, gieo nhân nào gặt quả ấy, không gieo không gặt, quy luật nhân quả là quy luật công bằng của vũ trụ, không do một thế lực nào quyết định, bản thân mỗi người có thể tự quyết định về quả mình nhận được bằng việc gieo nhân như thế nào. Luân hồi là khái niệm chỉ việc tâm thức của mỗi người sẽ trải qua nhiều kiếp sống, thân xác chỉ là giả tạm, chết đi ở kiếp này là khởi đầu của một kiếp khác, còn luân hồi là còn khổ, chỉ khi “giác ngộ” mới có thể thoát khỏi luân hồi sinh tử.
Phật giáo được chia thành 2 trường phái chính là Phật giáo Nguyên Thủy và Phật giáo Đại Thừa, trong đó:
- Phật giáo nguyên thủy được truyền bá rộng khắp và phát triển mạnh mẽ các nước Đông Nam Á như Sri Lanka (Tích Lan), đất nước Thái Lan, Burma (Myanmar), Lào, Campuchia và một phần ở miền nam Việt Nam. Tín đồ của trường phái Phật giáo Nguyên Thủy có mặt ở nhiều nơi như Ấn Độ, khắp các nước thuộc châu Âu, châu Úc và cả châu Bắc Mỹ.
- Phật giáo Đại Thừa phát triển ở các nước, vùng lãnh thổ thuộc Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, Việt Nam, và Tây Tạng.
Phật giáo có 2 trường phái chính là Phật giáo nguyên thủy và Phật giáo Đại thừa
Trên đây là những thông tin cơ bản nhất giúp quý vị hiểu rõ Phật giáo là gì, lịch sử hình thành và phát triển cũng như các nét chính về giáo lý, cơ sở triết lý cốt yếu nhất của Phật giáo. Không ai có thể phủ nhận tính nhân văn của Phật giáo cũng như sự ảnh hưởng của tôn giáo này với đời sống tâm linh của các Phật tử trên toàn thế giới và cả những người không theo Phật.
Phật giáo đã và đang phát huy rất tốt vai trò của mình đối với sự phát triển của xã hội loài người. Tôn giáo này đã, đang và sẽ giúp nhiều người có cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần tạo nên xã hội văn minh, tiến bộ và phát triển!
THÀNH CÔNG
Cảm ơn bạn đã đóng góp báo cáo Chúng tôi sẽ xem xét nghiêm túc báo cáo này!!
Đóng