Mùa Phật đản tại các quốc gia Châu Á diễn ra như thế nào?

Đại lễ Phật Đản được tổ chức hàng năm để kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất thân là Thái tử Tất Đạt Đa, dòng họ Cồ Đàm, vương tộc Thích Ca. Ngài được cho là sinh vào ngày rằm tháng tư âm lịch (15/04) năm 624 trước Tây lịch (theo lý giải của phái Nam tông), mùng 08/04 Âm lịch (theo lý giải của phái theo Bắc tông) tại vườn Lâm Tỳ Ni - nơi nằm giữa Ca Tỳ La Vệ và Devadaha ở Nepal.

Các quốc gia có đạo Phật ở Châu Á hàng năm đều tổ chức Đại lễ Phật đản, tùy vào văn hóa truyền thống của mỗi nước, vùng lãnh thổ mà có những cách thức tổ chức khác nhau. Năm nay, tình hình dịch bệnh cơ bản đã ổn định, những hoạt động văn hóa tôn giáo cũng dần được hồi phục tại các quốc gia.

Thái Lan

Tại Thái Lan, đại lễ Phật đản còn có tên gọi là Visakha Bucha. Ngày này, những người mộ đạo ở Thái Lan đến thăm các ngôi chùa địa phương để “làm công đức” bằng cách quyên góp và tham gia vào các nghi lễ khác nhau.

Luật pháp Thái Lan cấm bán đồ uống có cồn vào ngày Visakha Bucha, do đó nhiều quán bar phải đóng cửa tạm thời. Nhiều hoạt động cũng được diễn ra trong ngày lễ đặc biệt này như: thả chim hoặc thả cá để bỏ "ác nghiệp", thả đèn trời, hay đi vòng quanh nhà nguyện chính ba lần.

Hoạt động thả đèn trời trong ngày Visakha Bucha ở Thái Lan.

Đây cũng là dịp các Phật tử nghe giảng về lời dạy của Đức Phật, thiền định để tuân theo các giới luật của Phật giáo và cúng dường thực phẩm cho những người làm việc trong chùa. 

Malaysia

Trong ngày 8/5/2022 nhằm ngày mồng 8/4 Âm lịch, tại đất nước Malaysia hàng loạt tự viện cử hành lễ tắm Phật thu hút rất đông người dân tham dự.

Hình ảnh người dân Malaysia vén bức thangka thiêng 25 tuổi nhân đại lễ Phật đản.

Ở TP.Malacca, dưới sự hướng dẫn của Chư tôn đức, hàng trăm Phật tử đảnh lễ và tắm Phật như là dịp gột rửa tham, sân, si bản thân và tỉnh thức theo lời dạy của Đức Phật.

Các tín đồ Phật giáo mặc trang phục truyền thống thực hiện các nghi lễ trong lễ hội Ngày Đức Phật ở Ipoh, Malaysia

Còn ở thủ đô Kuala Lumpur, hàng nghìn Phật tử lên chùa, thành kính hướng về Đức Phật, cầu nguyện điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Hàn Quốc

Còn tại Hàn Quốc, ngày Phật đản là ngày quốc lễ và là một ngày hội lớn với các tín đồ Phật tử. Trong ngày này, mọi người cùng tham gia nghi thức tắm Phật, làm sạch các chùa và khu vực xung quanh nơi diễn ra các chương trình kỷ niệm.

Hình ảnh người dân Hàn Quốc làm nghi thức tắm Phật.

Lễ hội “Yeondeung” dịch ra nghĩa là "Lễ hội đèn lồng hoa sen" là một lễ hội nổi tiếng trong ngày lễ Phật đản ở Hàn Quốc. Lễ hội được tạo ra với ý nghĩa là thắp sáng thế giới, còn hoa sen tượng trưng cho sự thuần khiết, đồng thời cũng là loài hoa thiêng của Phật giáo.

Hình ảnh lễ hội đèn lồng hoa sen ở Hàn Quốc.

Đoàn xe rước trong lễ Phật đản tại Hàn Quốc.

Lễ hội đèn lồng hoa sen là di sản văn hóa phi vật thể của Hàn Quốc đã được UNESCO công nhận, lễ hội lồng đèn hứa hẹn thu hút hàng chục nghìn người dân tham dự, tô đẹp hơn mùa Lễ Phật đản ở xứ sở kim chi.

Hình ảnh lễ hội đèn hồng hoa sen các năm diễn ra ở Hàn Quốc

Ngoài ra, các Phật tử dâng lên bàn thờ Phật sáu món đồ cúng bao gồm: hương, đèn, hoa và một số loại quả. Họ cũng tổ chức lễ đánh trống và đánh chuông với ý nghĩa thức tỉnh.

Ngày lễ Phật đản hàng năm ở các quốc gia Châu Á dù có các tên gọi, nghi lễ tổ chức khác nhau tùy vào văn hóa truyền thống của từng nước. Nhưng điểm chung là tưởng nhớ đến Đức Phật, ngày mà mọi người cũng như các tín đồ Phật giáo làm những điều tốt, điều thiện thể hiện sự từ bi, độ lượng, tương thân tương ái của con người với con người. Những hành động này chính là thể hiện tình yêu thương, nhân hậu mà Đức Phật vẫn luôn luôn truyền bá.