Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ Phật đản các năm trước như thế nào?

"Nhạc trời trỗi dậy khắp muôn nơi

Hoa nở chim ca ý dị thường

Rộn ràng ưu đàm phơi nắng hạ

Vườn lâm hoa diệu gió say hương"

Bắt đầu từ những ngày đầu tiên của tháng 4 Âm lịch, không khí chào đón Đại lễ Phật đản mừng ngày Đức Phật đản sinh diễn ra rộn ràng khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đây được coi là một trong những ngày lễ lớn nhất của các tín đồ theo Phật giáo và đã được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận.

Hàng năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều long trọng tổ chức Đại lễ Phật đản. Tùy vào hoàn cảnh từng năm mà quy mô tổ chức có phần khác biệt, nhưng vẫn giữ nguyên sự trang nghiêm trong dịp lễ đặc biệt này.

Năm 2017 (Phật lịch 2561)

Trong sự hân hoan đón chờ một mùa Phật đản của hàng ngàn các chư Tăng Ni và Phật tử trên cả nước. Năm 2017, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đưa ra thông điệp đoàn kết, tập trung trí tuệ cùng nhau tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo các tỉnh, thành phố, tiến tới Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VIII (2017 - 2022). Đồng thời, đề cao tinh thần: "Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển", góp phần làm cho tổ chức Giáo hội không ngừng lớn mạnh.

(Hình ảnh tổ chức Đại lễ Phật đản 2017)

 

(Một số hoạt động trong Phật đản 2017)

Các hoạt động diễn ra trong mùa Phật đản năm 2017 trên cả nước diễn ra cụ thể như: nghi thức Tắm Phật, dâng hoa cúng dường mừng ngày Phật đản sinh, diễu hành trên các đường phố, phóng sinh…

Năm 2019 (Phật lịch 2563)

Vào năm 2019, Việt Nam vinh dự được Liên Hợp Quốc lựa chọn là nơi tổ chức Đại Lễ Vesak, Đại lễ diễn ra từ ngày 12-14/5/2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

(Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019 được tổ chức tại Việt Nam)

Giáo hôi Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2019 thể hiện sự phát triển của Phật giáo Việt Nam, khẳng định truyền thống lịch sử, giá trị nhân bản của Phật giáo, một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của Phật giáo cũng như sự phát triển và đồng hành với dân tộc của Phật giáo Việt Nam.

(Hình ảnh đoàn xe rước trong đại lễ Phật đản 2019 tại Hà Nam)

 

(Đoàn người đến dự lễ Phật đản năm 2019)

Đây là lần thứ 3 Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hợp Quốc được tổ chức ở Việt Nam, sau hai lần đăng cai vào năm 2008 và 2014.

Năm 2021 (Phật lịch 2565)

Năm 2021 là một năm đầy khó khăn, cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, GHPGVN tổ chức Đại lễ Phật đản phật lịch 2565 với quy mô nội bộ, ít người tham dự, nhưng vẫn đảm bảo sự trang trọng, đầy đủ các nghi thức tôn giáo.

(Đại lễ Phật đản năm 2021 tổ chức nội bộ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp)

Trong bối cảnh đó, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi mọi người nêu cao sự đồng thuận, đoàn kết chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội vượt qua đại dịch, ổn định đời sống, và phát triển đất nước.

(Đại lễ được tổ chức trong không khí trang nghiêm, tuân thủ quy tắc phòng dịch)

Đại lễ Phật đản năm 2021 cũng đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (1981 - 2021).

Còn vào mùa Phật đản 2022 năm nay, trong Thông điệp Đại lễ Phật đản của Đức quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên tinh thần: Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển, nỗ lực không ngừng làm cho đạo Phật xương minh, xây dựng Giáo hội vững mạnh, tiếp tục đóng góp vai trò quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc Việt Nam.