Chư Tăng Ni góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

ĐÁNG CHÚ Ý - 08/03/2023

Trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đất tôn giáo cũng là một chủ thể được quan tâm với một số điểm mới.

So với Luật Đất đai 2013 hiện hành, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có nhiều nội dung mới về đất tôn giáo. Đáng chú ý, chủ thể được nhận quyền sử dụng đất đã chuyển từ Cơ sở tôn giáo sang Tổ chức tôn giáo và Tổ chức tôn giáo trực thuộc. Cùng với đó, văn bản này đã định nghĩa rộng hơn về đất tôn giáo là đất sử dụng cho mục đích tôn giáo, tín ngưỡng. Điều này có khác biệt lớn so với bộ Luật 2013 khi chỉ quy định đất tôn giáo là “Đất cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng”. Dự thảo cũng bổ sung quy định về các trường hợp Nhà nước cho tổ chức tôn giáo thuê đất, bỏ quy định giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với tổ chức tôn giáo.

Chư Tăng Ni góp ý về Dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Chư Tăng Ni góp ý về luật đất đai sửa đổi 

Ngoài những điểm tích cực, 1 số nội dung liên quan đến tôn giáo cũng cần phải quy định rõ hơn về chủ thể sử dụng. Theo đó, Dự thảo đề xuất Nhà nước giao đất cho Tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức tôn giáo trực thuộc, nhưng từng cơ sở tôn giáo mới là nơi trực tiếp xây dựng, quản lý và vận hành. Điều này có thể gây xung đột quyền lợi giữa các chủ thể sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất, có thể phát sinh những bất cập nếu được ban hành. 

Hòa thượng Thích Huệ Thông phát biểu

Hòa thượng Thích Huệ Thông cho ý kiến về luật đất đai sửa đổi 

Thượng tọa Thích Đức Thiện góp ý về luật đất đai sửa đổi

TT.Thích Đức Thiện góp ý về luật đất đai (sửa đổi)

Vì nhiều lý do cũng bởi thế trong việc góp ý cho dự thảo luật đất đai sửa đổi, GHPGVN đã đưa ra nhiều điểm cần làm rõ để hoàn thiện văn bản này. Theo đó, Chư Tôn Đức đề xuất:

  • Định danh cụ thể hơn về Tổ chức Tôn giáo và Tổ chức Tôn giáo trực thuộc.

  • Đề cao vai trò giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam các cấp trong lĩnh vực đất đai.

  • Quy định cụ thể hơn về nội dung, mục đích, tiêu chí trong việc thu hồi đất.

  • Đề nghị bổ sung điều khoản bồi thường thiệt hại về nhà công trình xây dựng trên đất khi Nhà nước thu hồi đất.

  • Giải quyết phần diện tích đất do Tổ chức Tôn giáo sử dụng nhưng không được công nhận quyền sử dụng đất. 

  • Công nhận quyền sử dụng đất cho Tổ chức tôn giáo.

  • Đảm bảo việc bảo vệ không gian Văn hóa, Di tích. 

  • Làm rõ nội hàm cơ sở hợp pháp khác của Tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động trong phần quy định về đất tôn giáo.

  • Quy định về đất Tín ngưỡng. 

Tất cả góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Truyền hình An Viên cập nhật liên tục.