Bản tin Focus ngày 10.06.2022: Nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã.

TIÊU ĐIỂM - 11/06/2022

Trong những năm gần đây, Đông Nam Á đã trở thành nguồn cung cấp, đường dẫn và thị trường cho nhiều loại sản phẩm động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng, từ ngà voi, da hổ đến mật gấu, vảy tê tê và sừng tê giác. Trong đó, Việt Nam là quốc gia trung chuyển và tiêu thụ động vật hoang dã lớn nhất trên thế giới, nhiều loài đã đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Điều đáng lo ngại, tình hình buôn bán động vật hoang dã gần đây diễn biến phức tạp, có sự tham gia của các mạng lưới tội phạm quốc tế, hoạt động có tổ chức và ngày càng tinh vi. 


Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) trong 5 năm qua, có 9.239 vụ vi phạm về động vật hoang dã tại Việt Nam; Gần 25.000 các vi phạm như nuôi nhốt hoặc quảng cáo các sản phẩm từ động vật hoang dã có giá trị cao khác. 


Đứng trước những vấn nạn đó, vừa qua, Liên đoàn Phật giáo Quốc tế đã thực hiện đề tài “Một khởi xướng của Phật giáo về giảm thiểu nhu cầu buôn bán động vật hoang dã ở Đông Nam Á”. Tại Việt Nam, để tuyên truyền, vận động người dân, phật tử nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã, từ ngày 24-29/05, Liên đoàn có hàng loạt những chuyến thăm, giao lưu với chư tôn đức tăng ni, sinh viên tại Học viện Phật giáo Việt Nam. Mục đích chính của chuyến đi với mong muốn gặp gỡ Giáo hội Phật giáo VN và các cơ quan chức năng, để thảo luận thêm và thực hiện dự án bảo tồn động vật hoang dã tại Việt Nam.