Bản tin An Viên 24h ngày 10.02.2022

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI DÂNG HƯƠNG TẠI HOÀNG THÀNH THĂNG LONG

Sáng 9/2, nhân dịp khai Xuân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu Ủy ban của Quốc hội và Thành phố Hà Nội đã tới dâng hương tại Điện Kính Thiên - Hoàng thành Thăng Long, Thủ đô Hà Nội. Tham dự còn có hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN TP.Hà Nội.

Trong không khí trang nghiêm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu đã tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công với đất nước; cầu cho quốc thái dân an. Nguyện cùng đoàn kết phát huy truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng của Thăng Long - Hà Nội, giữ gìn các giá trị di sản quý báu của dân tộc; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trò chuyện với cán bộ, nhân viên Khu di tích, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Hoàng thành Thăng Long là nơi ghi dấu lịch sử ngàn năm, hội tụ hồn thiêng sông núi, tinh hoa văn hóa dân tộc, qua đó mong muốn cán bộ, nhân viên Khu di tích tích cực tuyên truyền, làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích, góp phần dựng xây Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến.

Hôm nay, mùng 10 tháng giêng, ngày mà nếu như hằng năm là khai hội Yên Tử thì năm nay để đảm bảo an toàn phòng dịch, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh chỉ thực hiện nghi lễ dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an tại chùa Hoa Yên, khu di tích và danh thắng Yên Tử, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Buổi lễ hạn chế người tham dự, thực hiện đầy đủ 5k và phát trực tuyến trên trang facebook Chùa Yên Tử.

QUẢNG NINH: DÂNG HƯƠNG CẦU QUỐC THÁI DÂN AN TẠI YÊN TỬ

Trong mưa xuân se lạnh đầu năm mới, đúng 9h sáng nay mùng 10 tháng Giêng, buổi lễ được bắt đầu. Đây là dịp để ôn lại giá trị lớn lao và trường tồn của Non thiêng Yên Tử, cội nguồn lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm, công đức của đức Phật hoàng Trần Nhân Tông. Sau nghi thức cung rước từ chân dốc lên Huệ Quang Kim Tháp, chư tôn đức, quý đại biểu thành kính dâng hương, cử hành khóa lễ cầu quốc thái dân an.

Sau buổi lễ là nghi thức đóng dấu thiêng Yên Tử, đánh dấu một năm mới cát tường, vượt qua những đau thương trong năm cũ.

Trước đó, hôm qua mùng 9 tháng Giêng, BTS GHPGVN tỉnh Quảng Ninh đã cử hành nghi lễ cầu quốc thái dân an, dịch bệnh tiêu trừ tại Am Ngoạ Vân, nơi đức Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Chiều qua ngày 9/2/2022, tại chùa Phổ Phước, thủ đô Băng Cốc, Thái Lan đã diễn ra lễ tịnh thủy nhục thân Trưởng lão Hoà thượng Thiện Thật Thera, Tăng trưởng Phật giáo An Nam tông (Việt tông) tại Vương quốc Thái Lan. Hoàng gia Thái Lan và đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam đã tới viếng lễ tang.

THÁI LAN: LỄ TỊNH THỦY TRƯỞNG LÃO HT. THÍCH THIỆN THẬT THERA

Hòa thượng Thích Thật Thera là vị lãnh đạo niên trưởng của An Nam tông tại Thái Lan, nối dòng đời thứ 43 Thiền phái Tào Động. Ngài đã có công lao to lớn phát triển Tăng đoàn hệ phái Phật giáo An Nam Tông, hệ phái Phật giáo có nguồn gốc từ Việt Nam cách đây hơn 250 năm. 

Chùa Phổ Phước nơi ngài trụ trì cũng như nhiều ngôi chùa Việt khác trên Thái Lan đã trở thành nơi sinh hoạt tâm linh của cộng đồng người Việt Nam xa xứ, đồng thời cũng là nơi bảo tồn giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc. Ngài cũng kết nối An Nam Tông với GHPGVN và đã 2 lần dẫn đoàn về thăm Việt Nam, góp phần thúc đẩy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan. 

Để tưởng nhớ công lao của cố Trưởng lão HT.Thiện Thật Thera, Bộ ngoại giao nước CHXHCNVN và Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS thay mặt GHPGVN đã gửi thư phân ưu đến toàn thể Tăng đoàn hệ phái Phật giáo An Nam Tông và Phật giáo vương quốc Thái Lan. Lễ tang đã diễn ra theo nghi thức hoàng gia, trong không khí trang nghiêm và thanh tịnh, Hoàng gia Thái Lan và ông Phan Chí Thành - đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam đã đến tưởng niệm, bày tỏ niềm kính tiếc vô hạn về sự viên tịch của Ngài.

TP.HCM: HỘI SÁCH XUÂN 2022 TẠI CHÙA XÁ LỢI

Theo thông lệ, nhân dịp đầu năm mới, chùa Phật học Xá Lợi (quận 3, TP.HCM) đều tổ chức hội sách xuân miễn phí dành tặng cho người dân, pPật tử đến lễ chùa. Năm nay, hội sách xuân diễn ra với chủ đề “Đọc sách đầu xuân - Khơi nguồn tri thức” thu hút nhiều người dân, phật tử đến tham dự.
 

Đã thành thông lệ, tranh thủ những ngày đầu năm mới, bà Hồng trú tại Quận 10, TP. HCM đều dành thời gian đến chùa Phật học Xá Lợi lễ phật và tham gia hội sách do chùa tổ chức. Đối với bà Hồng, đầu năm được đọc một cuốn sách hay giống như nhận được lời chúc tốt đẹp, hứa hẹn cho một năm mới tốt lành.

Bà TRƯƠNG ĐÌNH BẠCH HỒNG
Quận 10, TP. Hồ Chí Minh

Diễn ra từ năm 2014, đến nay đã 8 năm liên tiếp chùa Phật học Xá Lợi (quận 3, TP.HCM) tổ chức hội sách xuân nhân dịp năm mới. Đây là nét đẹp truyền thống ngày đầu năm của chùa khi du khách, phật tử vừa được đến lễ Phật, vãn cảnh lại vừa có cơ hội đọc, nhận sách ngày đầu năm.

Bà THẢO
Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

Ông TÔ VĂN THIỆN  
BTC Hội sách, TTK Ban Phật học chùa Phật học Xá Lợi 

Hội sách xuân Nhâm Dần năm nay tổ chức từ ngày 31/01 đến ngày 15/02/ 2022. Tại đây, người dân, phật tử thích cuốn sách nào đều có thể nhận về và tùy hỷ bỏ tịnh tài vào thùng để sẵn tại các quầy sách. Số tiền này được chùa dùng vào việc tặng quà cho bệnh nhân ung bướu và tổ chức khóa tu cho người khiếm thị.

LỄ CHÙA ĐẦU NĂM KHÔNG QUÊN PHÒNG DỊCH

Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt. Năm nay, trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp, việc vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh của phật tử, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch là mục tiêu hàng đầu của các tự viện khi đón tiếp khách hành hương những ngày đầu năm mới. Ghi nhận tại Hải Dương và Đồng Tháp. 

Những ngày đầu năm mới, tại chùa Đống Cao, không khí lễ chùa đầu năm tại có vẻ trầm lắng hơn. Lượng khách đi chùa khá thưa thớt. Đầu năm đi lễ chùa, ai cũng cầu mong năm mới an lành. 

Để đảm bảo phòng chống dịch, từng nhóm nhỏ tuần tự vào chùa lễ phật, hạn chế tập trung đông người. Khẩu trang, nước sát khuẩn đều được trang bị để phục vụ du khách. 

Thượng tọa THÍCH THANH VÂN
Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hải Dương, trụ trì chùa Đống Cao

Là một trong những ngôi chùa lớn tại tỉnh Đồng Tháp, chùa Hưng Thiền tại xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh đón hàng ngàn lượt người dân đến lễ bái dịp đầu năm. Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp, chùa giảm quy mô nhiều hoạt động vào những ngày tết. Người dân cũng dần thích nghi với việc đi lễ chùa vừa thành kính, vừa an toàn.

Ni sư THÍCH NỮ NHƯ LAN
Trụ trì chùa Hưng Thiền, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp 

Lễ chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp văn hoá và Phật tử đến chùa với niềm tin và hy vọng về khởi đầu tốt đẹp. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, người đến lễ chùa cũng không quên thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo sức khỏe cho người dân và cộng đồng.

SÔI ĐỘNG NGÀY VÍA THẦN TÀI

Hôm nay ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài. Theo quan niệm dân gian, trong ngày này người dân thường đi mua vàng về cúng Thần Tài để lấy may đầu năm. Đây chính là lý do giúp cho thị trường vàng tại các thành phố lớn trở nên nhộn nhịp, tấp nập hơn. 

Không có cảnh chen chúc xếp hàng, đứng chờ mua vàng từ sáng sớm tinh mơ như những năm trước khi có dịch Covid-19. Ngày vía Thần Tài năm 2022, lượng khách hàng trực tiếp đến mua vàng tại các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, Hà Nội có tăng lên so với ngày bình thường nhưng cũng không quá đông đúc. Điều này giúp cho những khách hàng như anh Nguyễn Văn Dương không phải chờ đợi quá lâu để sở hữu được sản phẩm mình mong muốn.

Anh NGUYỄN VĂN DƯƠNG
Quận Hoàng Mai, Hà Nội

Việc có thêm hình thức giao dịch vàng online trong bối cảnh dịch Covid-19 và giá vàng cũng đang ở mức khá cao là lý do khiến lượng khách hàng trực tiếp đến cửa hàng mua vàng năm nay không lớn.

Anh TRẦN ĐỨC MẠNH
Trưởng phòng Kinh doanh, CTCP Đầu tư Vàng Phú Quý
Chị NGUYỄN THỊ LUYẾN
Phó GĐ Kinh doanh, Công ty Vàng Bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu  

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tại Hà Nội vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, vì vậy để đảm bảo an toàn cho khách hàng và các nhân viên, việc tuân thủ quy định phòng dịch cũng được các cửa hàng vàng đặc biệt chú trọng.  

Chị NGUYỄN THỊ LUYẾN
Phó GĐ Kinh doanh, Công ty Vàng Bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu  
Anh NGUYỄN VĂN DƯƠNG
Quận Hoàng Mai, Hà Nội

Ngày vía Thần Tài có ý nghĩa quan trọng với những người làm ăn, kinh doanh, buôn bán hay những người mưu cầu sự ổn định, thăng tiến trong công việc… Có lẽ vì vậy mà dù có phải vất vả chờ đợi hay mua vàng khi giá đang ở mức cao nhưng nhiều người vẫn hoan hỉ khi đã sở hữu một sản phẩm vàng như ý.

Thực hiện: Xuân Hùng, Như Biên

FOCUS: NĂM MỚI KHƠI NGUỒN SINH HOẠT TÂM LINH MIỀN SÔNG NƯỚC

Thông thường cứ vào mùng 1 hay ngày rằm, người dân Việt sẽ đi lễ chùa để cầu cho mình sự bình an và may mắn, vạn sự hanh thông. Tuy nhiên không phải ai cũng có điều kiện lễ Phật tại tự viện một cách đều đặn như vậy, đặc biệt là với những người dân sinh sống vùng sông nước. Với họ, chỉ những ngày đầu Xuân mới thực sự được thỏa ước nguyện đi chùa.

Thời kỳ chưa có đê, người Việt cổ sống bằng thuyền. Hàng nghìn năm gắn bó với sông nước đã hình thành hệ thống văn hóa sông nước, biển đảo. Cho đến khi Phật giáo du nhập vào nước ta, những ngôi chùa được xây cất nơi có sông ngòi, ao hồ ôm bọc càng làm cho sinh hoạt dân gian của người Việt Nam hoà quyện với triết lý Phật giáo rõ nét. Và từ đó, với người dân vùng sông nước, hải đảo, đạo Phật dần dần hiện hữu trong tâm thức.

Nếu như ở vùng sông ngòi, người ta tin vào hình tượng Tứ Pháp đại diện cho Mây - Mưa - Sấm - Chớp thì ngoài biển, ngư dân chủ yếu thờ phụng Quan Âm Nam Hải. Dù hình tướng, danh xưng các Ngài khác nhau, nhưng tựu chung lại, người dân vùng sông nước, biển đảo đến nay đều tin vào Phật pháp và nương nhờ vào năng lượng từ bi, trí huệ của chư Phật  để cầu vạn sự hanh thông.

Đại đức THÍCH THÔNG ĐẠT
Chùa Diêm Điền, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

“Cứ đầu năm hoặc cuối năm là người dân chài lại đến chùa để thắp hương cầu bình an...”

Chẳng phải tự nhiên mà người dân vùng sông nước thường chỉ đi lễ chùa những ngày đầu và cuối năm âm lịch. Như nhìn vào hoàn cảnh hộ gia đình bà Trần Thị Châu trú tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, ai cũng có thể hiểu lý do vì sao.

Suốt hàng chục năm gắn liền với dòng sông Hồng đoạn 2 tỉnh giáp ranh là Thái Bình và Nam Định, vợ chồng bà quanh năm chỉ biết tới con nước và ngư cụ. Ngày nào trúng lớn thì bận thu hoạch, hôm chẳng có gì thì lo kiếm cái ăn…Lắm khi tàu hỏng lại phải dầm mình dưới dòng nước để sửa. 

Sức người chỉ có hạn nên dù là Phật tử thuần thành nhưng điều kiện để gia đình bà có thể đi lễ chùa rất hạn chế và niềm tin tâm linh đôi khi chỉ có thể gửi gắm vào những tờ tranh, lịch có hình đức Phật.  

Bà TRẦN THỊ CHÂU
Ngư dân

“…Trong thâm tâm là muốn đi lắm nhưng không có thời gian…một ngày làm việc 12-13 tiếng trên tàu nên không có thời gian…”

Đại đức THÍCH THÔNG ĐẠT
Chùa Diêm Điền, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

“..Họ làm quanh năm suốt tháng nên không biết tụng kinh, niệm Phật để có cái đời sống tâm linh giống như quý Phật tử khác…Họ chỉ biết cầu nguyện để cầu bình an thôi…đó là một mặt hạn chế…”

Còn với những người nơi đầu sóng, ngọn gió, quanh năm suốt tháng ngoài biển như anh Hoàng Văn Sông, điều kiện để tu tập càng hạn chế hơn. Với anh, dù Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần nhưng không phải khi nào cũng có điều kiện để lên chùa lễ bái. Thay vào đó, anh Sông gửi gắm tấm lòng của mình và nhờ chư tôn đức tụng kinh cầu nguyện các đợt ra khơi được bình an. Thậm chí trên thuyền, tôn tượng hay tranh Phật để thờ phụng cũng không có.

Anh HOÀNG VĂN SÔNG
Huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

“…Ở Biển suốt…Có về cũng chỉ ngủ nghỉ được vài ba tiếng rồi lại đi…trên thuyền lúc nào cũng có hương để cầu vào mùng 1 và ngày rằm”

Đại đức THÍCH THÔNG ĐẠT
Chùa Diêm Điền, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

“Họ cũng thực hành nghi thức cầu nguyện…nhưng do ở trên biển đảo đầu sóng ngọn gió nên không thể treo tranh, ảnh Phật…Họ chỉ biết thắp hương…cầu nguyện và hướng tâm mình đến Phật…”

Vậy nên, với những người ngư dân, mỗi dịp tết đến xuân về, trăm hoa đua nở là lúc họ được thả lòng mình nơi chốn già lam thanh tịnh, không còn phải nghe âm thanh của sóng vỗ mạn thuyền. Chỉ một cái chắp tay thành kính, lòng hướng Phật nhưng cũng đủ để họ cảm thấy sự tĩnh tại trong tâm hồn.
Đi chùa, trước để rèn tâm, sau để cảm tạ Tam bảo và cuối cùng là cầu nguyện cho những sinh linh dưới nước mà họ thu hoạch được.

Bà TRẦN THỊ CHÂU
Ngư dân

“…Ngày tết này cứ có người gọi là đi…đi liền 2,3 chùa…”

Ông VŨ VĂN BẮC
Ngư dân

“…Đi lễ chùa tạ lễ…che chở lúc sóng to sóng lớn…”

Anh HOÀNG VĂN SÔNG
Huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

“…Đi chùa tĩnh tâm…giảm đi…”

Như vậy đấy, đi chùa lễ Phật, một điều tưởng chừng hết sức bình thường nhưng lại là cả một ước nguyện của những người mưu sinh bằng nghề sông nước. Những con người ăn sóng, nói gió, có thể họ không hiểu nhiều về giáo lý thâm sâu của đạo Phật, nhưng họ lại biết một sự thật dung dị rằng, thờ Phật thì ăn oản, có tâm và tấm lòng thành kính, siêng làm việc tốt, ắt mọi sự hanh thông.

Thực hiện: Anh Tuấn, Công Hậu

CHUYẾN XE CỨU THƯƠNG MIỄN PHÍ CỦA NHỮNG NGƯỜI PHỤNG SỰ

Những chuyến xe cứu thương miễn phí chở bệnh nhân nghèo ở khắp bản làng của tỉnh Hà Giang đến các bệnh viện tuyến trên đã trở nên quen thuộc với người dân nơi đây. Hành động đẹp, đầy ý nghĩa nhân văn này được thực hiện từ những người phụng sự tại huyện Bắc Quang, Hà Giang.  

Những bữa ăn vội, dù nắng, mưa, đêm muộn, bất kỳ thời gian nào, khi nhận được cuộc gọi cấp cứu, các thành viên trong Hội thiện nguyện Bắc Quang lại sẵn sàng lên đường. Chứng kiến bệnh nhân nghèo khó khăn, lúc nguy cấp không có đủ điều kiện để thuê xe cấp cứu vận chuyển người thân đến bệnh viện, Đại đức Thích Giác Tính đã thành lập mô hình xe cấp cứu chuyên dụng chở miễn phí bệnh nhân nghèo. Xe có đầy đủ các trang thiết bị chuyên dụng dành cho việc cấp cứu, vận chuyển bệnh nhân trong suốt hành trình dài.

Đại đức THÍCH GIÁC TÍNH
Chùa Thiên Ân, Hà Giang

Ông LÊ HOÀNG HẢI 
Huyện Bắc Quang, Hà Giang

Suốt hơn 2 năm qua, trung bình mỗi tháng, nhóm thiện nguyện chở khoảng 40-50 bệnh nhân. Có nhiều bệnh nhân may mắn thoát khỏi cửa tử nhờ sự giúp đỡ kịp thời này. Mặc dù lái xe trên những hành trình vất vả, gian khó ở các cung đường hiểm trở. Nhưng bằng sự tâm huyết, tấm lòng nhân ái, các tài xế đã dốc sức đưa đón bệnh nhân an toàn. 

Anh ĐÀO QUYẾT THẮNG
Xã Việt Vinh, Bắc Quang, Hà Giang

Không chỉ hỗ trợ đưa đón bệnh nhân nghèo được điều trị ở tuyến trên, hội còn huy động, kêu gọi ủng hộ chi phí điều trị bệnh cho các bệnh nhân nghèo. 

Phật tử DIỆU HƯƠNG

Hiệu quả từ mô hình xe cứu thương miễn phí tại hội Thiện Nguyện Bắc Quang không chỉ thể hiện tình người, mà còn góp phần gắn kết, phát huy lòng nhân ái của cộng đồng. Từ khi thành lập đến nay, mô hình này trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bệnh nhân nghèo của tỉnh Hà Giang. 

Thực hiện: Phan Hương, Như Biên

TT-HUẾ: KHAI HỘI ĐỀN HUYỀN TRÂN CÔNG CHÚA

Hôm qua, ngày 9/2, tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân, TP.Huế, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế đã khai mạc Lễ hội đền Huyền Trân với chủ đề “Ngưỡng vọng tiền nhân”.

Lễ hội nhằm tưởng nhớ và tri ân những người đã có công lao to lớn đối với đất nước. Ở đây là đối với Phật Hoàng - Trần Nhân Tông và Công chúa Huyền Trân, có vai trò quyết định để đất nước Đại Việt, cách đây 715 năm, được thêm hai châu Ô Lý và Thuận Hóa, kéo dài từ Quảng Trị đến sông Thu Bồn - Quảng Nam, bao gồm xứ Huế ngày nay. Lễ hội diễn ra trong hai ngày 8 và 9/1 âm lịch, với nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút đông đảo người dân về dâng hương, tỏ lòng thành kính, tri ân đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông, Công chúa Huyền Trân và cầu nguyện những điều tốt lành cho năm mới.  

CHIÊM NGƯỠNG CÔNG TRÌNH PHẬT GIÁO ẤN TƯỢNG TRÊN ĐỈNH BÀ ĐEN 

Ngay từ những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022,  du khách đổ về Khu di tích lịch sử văn hóa, danh thắng và du lịch núi Bà Đen để du xuân, lễ Phật, bái Linh Sơn Thánh Mẫu trên đỉnh Bà Đen linh thiêng. Nơi đây được mệnh danh là nóc nhà Đông Nam Bộ, đã trở thành hành trình tâm linh không thể thiếu với người dân, Phật tử phía Nam mỗi dịp đầu năm. Phần cuối bản tin, mời quý vị cùng đến thăm và chiêm ngưỡng những công trình Phật giáo đặc sắc tại nơi đây. 

Núi Bà Đen là một danh thắng nổi tiếng, biểu tượng của tỉnh Tây Ninh. Điểm đặc sắc khi đến với đỉnh núi Bà Đen vào dịp tết Nhâm Dần đó chính là sự thay đổi về cảnh sắc và các công trình kiến trúc Phật giáo độc đáo trên đỉnh núi. Trong đó điểm nhấn vẫn là tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn. Đây là tượng Phật giáo bằng đồng cao nhất châu Á tọa lạc trên đỉnh núi. 

Đến với núi Bà Đen, du khách còn có cơ hội được chiêm ngưỡng khu trưng bày nghệ thuật Phật giáo chưa từng có ngay dưới chân tượng Phật Bà.
Khu vực gồm 4 tầng có diện tích hơn 4.000m2 với lối kiến trúc đồng tâm độc đáo. Đây là nơi trưng bày phiên bản mô phỏng nhiều tác phẩm Phật giáo kinh điển của cả Việt Nam và thế giới như những ngôi chùa cổ Việt Nam hay hàng trăm hiện vật ý nghĩa gắn liền với sự phát triển của Phật giáo qua nhiều thời kỳ. Đặc biệt tại tầng 4 là không gian tôn nghiêm, nơi lưu giữ và trưng bày Xá lợi Phật.