Bản tin Focus ngày 03.06: Tết Đoan Dương - Kết nối tình thâm gia đình

TIÊU ĐIỂM - 04/06/2022

Tết Đoan Dương hay còn có tên gọi khác là Tết Đoan Ngọ, hay Tết giết sâu bọ. Đây là một phong tục lễ tết Á Đông đặc sắc gắn liền với quan niệm về sự tuần hoàn của thời tiết trong năm. Với người dân Việt Nam, đây là dịp để các thành viên trong gia đình trở về sum họp. 

Trong dịp Tết Đoan Ngọ, rượu nếp, bánh tro, mận hậu và một số hoa quả là những mặt hàng đắt khách ở các chợ. Theo quan niệm dân gian, Tết Đoan Ngọ là ngày tết giết sâu bọ trú ngụ trong cơ thể con người. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thể giết được chúng mà chỉ có đúng ngày 5/5 âm lịch hàng năm. Hoa quả, rượu nếp cẩm, phải ăn vào sáng sớm 5/5 âm lịch, khi vừa ngủ dậy, chưa làm vệ sinh cá nhân.

Tết Đoan Ngọ xưa là do nhân dân lao động cùng nhau sáng tạo. Người nông dân với nghề lúa nước luôn đòi hỏi phải quan sát thời tiết, cố để tránh tối đa những tác hại của nó và tận dụng hữu hiệu những lợi thế mà tự nhiên mang lại, nhờ vậy mà phong tục Tết Đoan Ngọ hình thành.

Hiện ở một số làng quê, sau Tết Nguyên Đán, Tết giết sâu bọ là Tết sum họp đầm ấm và có nhiều tục lệ gắn kết đời sống người dân. Người ta quan niệm rằng, đây là thời điểm quả trên cây, lá trên cành bắt đầu đơm hoa kết trái và cúng tổ tiên để mong mùa màng bội thu.